Tại sao ta lại thích hay không thích, thấy dễ chịu hay khó chịu, buồn hay vui… khi thưởng thức nghệ thuật? Tác phẩm ấy khơi gợi những cảm xúc, tâm trạng, thậm chí là suy tư trong ta như thế nào? Những tri nhận và tri giác ấy nói gì về chính chúng ta?
Có rất nhiều thông tin giúp mỗi người cảm thụ và phân tích một tác phẩm nghệ thuật, những thứ chúng ta cần được học chứ không thể đọc từ quan sát tác phẩm. Tuy nhiên, khi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật thị giác, bất cứ người xem nào cũng đều lập tức chịu tác động trực tiếp bởi yếu tố thị giác vừa tồn tại độc lập vừa kết hợp với nhau trong hình ảnh đó - ngay cả khi không biết chút nào về thông tin xung quanh.
Nghệ sĩ tạo ra tác phẩm nghệ thuật truyền tải câu chuyện của riêng họ, có vô số mục đích khác nhau nhưng công cụ là như nhau: yếu tố thị giác và phương tiện tạo hình.
Xuất phát từ những vấn đề đó, workshop "Cảm thụ nghệ thuật thị giác - Lấy khán giả làm trung tâm" nhằm trang bị cách thức cảm thụ nghệ thuật. Ngoài ra, bằng cách tập trung vào cảm nhận của khán giả trong tạo nghĩa của tác phẩm, workshop giúp người học vận dụng những cảm nhận này vào sáng tạo nghệ thuật cá nhân một cách chuyên nghiệp với tinh thần không có bất cứ giới hạn nào trong thử nghiệm.
Theo đó, workshop bao gồm các hoạt động: học lý thuyết và thực hành do nghệ sĩ Hương Mi Lê hướng dẫn; tham quan có hướng dẫn tại một không gian triển lãm nghệ thuật; thực hành do nghệ sĩ khách mời hướng dẫn (thay đổi theo từng kì); chuẩn bị và trưng bày tác phẩm nghệ thuật.
Chương trình học diễn ra vào các ngày thứ 4 và Chủ Nhật hàng tuần, kéo dài từ 13.3 - 14.4, tại Thư viện Kiến trúc và Nghệ thuật CA' Library, Tòa Complex 01, Tây Sơn, Hà Nội.