Theo đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội tập trung mọi nguồn lực, thuốc men, trang thiết bị y tế để khẩn trương cứu chữa kịp thời các trường hợp nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, giảm thiểu những thiệt hại do vụ tai nạn.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành chức năng của UBND Thành phố Hà Nội và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong công tác ứng phó thảm họa.
Ngoài ra, cần khẩn trương cứu chữa, điều trị người bị nạn và đề xuất các ý kiến, kiến nghị với Bộ Y tế nhằm đảm bảo tốt nhất cho công tác cấp cứu tai nạn giao thông; phối hợp chuyên môn với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên hoặc chuyển tuyến kịp thời.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội cập nhật tình hình diễn biến của việc cứu chữa, điều trị người bị nạn về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.
Trước đó, vào khoảng 16h07’ ngày 5.4, tại ngã tư Xuân La - Võ Chí Công (thuộc quận Tây Hồ) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa 1 xe ô tô con với 17 xe máy. Tại hiện trường, có nhiều người bị thương và được người dân đưa đi cấp cứu. Hiện các bệnh nhân đang điều trị tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.
Theo thông tin từ Bệnh viện E, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E đã tiếp nhận và cấp cứu kịp thời cho 14 người, trong đó có 1 trẻ em (7 tuổi) là các nạn nhân trong vụ tai nạn liên hoàn xảy ra tại ngã tư Xuân La - Võ Chí Công.
ThS.BSCKII Phạm Xuân Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, vào khoảng 16h30’ đến 16h50’, các phương tiện cấp cứu lần lượt chuyển 14 trường hợp tai nạn giao thông vào khoa Cấp cứu. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 7 tuổi, bệnh nhân lớn tuổi nhất 42 tuổi.
Trong đó, có 2 ca rất nặng: bệnh nhân nam 28 tuổi (quê Thái Bình) bị hôn mê sâu do chấn thương sọ não, chuyển khoa Hồi sức tích cực và chống độc để theo dõi và bệnh nhân nam 37 tuổi (ở Đống Đa, Hà Nội) phải mổ cấp cứu do sốc đa chấn thương: chấn thương bụng kín, chấn thương ngực kín, gãy hở IIIB xương cẳng chân dập nát.
7 trường hợp với nhiều tổn thương ở cẳng chân, cẳng tay, cánh tay và đa vết thương phần mềm đã được cấp cứu, chuyển theo dõi vào khoa Chấn thương hỉnh hình và Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và y học thể thao.
5 trường hợp bị xây xước nhẹ, không có tổn thương phần xương, cũng đã được cấp cứu, xử lý vết thương và được bác sĩ kê đơn thuốc về nhà. Trong số này, trường hợp cháu bé 7 tuổi cũng đã được ra viện.
TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định: “Xác định đây là cấp cứu thảm hoạ với số người tai nạn giao thông có thể nhiều và nặng, Bệnh viện E đã thực hiện báo động đỏ cấp cứu. Rất may, Bệnh viện E là bệnh viện đa khoa trung ương với nhiều chuyên khoa mũi nhọn, do đó, các bệnh nhân được tiến hành hội chẩn và cấp cứu của đội ngũ bác sĩ nhiều chuyên khoa như tim mạch, hồi sức tích cứu, chấn thương… Khoa Cấp cứu được trang bị trang thiết bị máy móc và thuốc, vật tư y tế đầy đủ và hiện đại, có thể đáp cứu cấp cứu nhanh chóng và kịp thời các trường hợp tai nạn thảm hoạ như trên”.
TS Hựu thông tin thêm, sự việc xảy ra vào lúc 16h30’ khi các y bác sĩ vẫn còn đang làm việc nên ngay lập tức đã có gần 50 nhân lực: điều dưỡng, bác sĩ tham gia vào công tác cấp cứu cho người bệnh.
Trong đó, có hơn 10 trưởng, phó khoa: Cấp cứu, tim mạch, hồi sức tích cực, chấn thương chỉnh hình, ngoại tổng hợp, thận tiết niệu, gây mê hồi sức… dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Ban Giám đốc Bệnh viện, đều căng mình cứu sống người bệnh nặng, kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong và chuyển biến nặng của người bệnh.
Phòng Công tác xã hội, Tổ chăm sóc khách hàng cũng tham gia hỗ trợ cho người bệnh kết nối với thân nhân, người nhà người bệnh 24/24 thông qua đường dây nóng.
Ngoài Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận 2 trẻ trong vụ việc. Cháu bé 3 tuổi đã được mổ cấp cứu. Ngoài ra, một trẻ 14 tuổi bị gẫy tay đã được bó bột, theo dõi có chấn thương ổ bụng.
Bệnh viện 198 cũng tiếp nhận 2 bệnh nhân tới khám, cả hai đều bị nhẹ, chỉ xây xước phần mềm và đã xin ra viện.