
Điểm nhấn của triển lãm là bức tranh Simon Vouet (1590-1649) vẽ người vợ trẻ của mình. Năm sau của lễ đính hôn với nàng Virginia Da Vezzi xinh đẹp người Romania, Vouet đã thực hiện được theo cách riêng kiệt tác đầu tiên không ai có thể phản bác, bức Hy vọng, tình yêu và sắc đẹp đã chiến thắng thời gian. Chính thiếu phụ trẻ đã làm người mẫu cho chồng mình để ông thể hiện nàng Vệ nữ, gần như trần trụi, chỉ khoác một tấm voan màu hồng khoác hờ lên bờ vai. Nghệ sỹ sung sướng được chia sẻ những gì đẹp đẽ nhất của cuộc sống riêng tư thầm kín. Với ông, hiện thân của “Cái đẹp” không giống một nàng tiên với những số đo lý tưởng, mà chỉ đơn giản là giống người đàn bà đang chia sẻ cuộc đời với nghệ sỹ mà thôi.
Bức tranh có thể đã được vẽ tại thành Roma năm 1627, sau khi được Hàn lâm viện Saint-Luc bầu là “Ông hoàng của các nghệ sỹ”, Simon Vouet chuẩn bị rời Italy trở về Paris. Vua Louis XIII gọi ông về bởi nhà vua đang cần một nghệ sỹ lớn để khởi đầu chính sách nghệ thuật đầy tham vọng của mình. Sau một nửa thế kỷ chiến tranh tôn giáo, nước Pháp bị tụt hậu, và không gì bằng một họa sỹ được đào tạo tại Italy để chấn hưng nền nghệ thuật ốm yếu của Pháp.

Trước đó, khi vừa đặt chân đến Italy, Vouet – con trai một họa sỹ Paris – đã chọn phong cách vẽ mạnh mẽ nhất theo mốt của thời kỳ đó: trường phái hiện thực trong thể hiện và đối lập giữa tối và sáng. Tuy ông không sánh được với Valentin de Boulogne trong cách thể hiện chân dung cả một nhóm người với màu tro xám, song ông đã vẽ lại theo cách của mình các tranh tôn giáo của Caravage, trong đó sử dụng những sáng tạo của Caravage như vẽ nền rất tối và những tia sáng chiếu vào như kiểu đèn chiếu nhỏ, tạo ấn tượng mạnh. Vouet còn xuất sắc hơn trong việc vẽ đời thường. Những bức chân dung tự họa hồi còn trẻ đang trong cơn giận dữ của ông với cặp môi dày trề ra thật tuyệt. Còn bức Mụ bói có thể được xem như phác thảo đầu tiên của một vở kịch đầy nút thắt các tình tiết, bởi cô nàng ăn cắp đến lượt mình cũng bị trắng tay.

Thực tế là trên đường trở về Pháp, Vouet đã dừng lại ở Venice và tiếp thu toàn bộ những gam màu của Titien và Véronèse, sau khi đã học được những gam màu sẫm của Caravage. Ông đã vượt lên một tầm cỡ khác, tầm cỡ của một nhà sáng tạo lớn dồi dào năng lực. Tuy nhiên, sau khi Vouet mất, họa sỹ Poussin - người cạnh tranh với ông - được ưa chuộng hơn, và vì thế, nền hội họa của Pháp lại bị giam hãm trong một cách nhìn thường là quá duy lý trí mà mãi không thoát khỏi…
Theo Le Point