Trịnh Sâm cho Đặng Mậu Lân. Vẫn biết ưng thuận cũng có nghĩa là thế thứ rối bời (anh rể cũng chính là bố vợ), vẫn biết Đặng Mậu Lân là một kẻ bất trị, nhưng rốt cuộc, Trịnh Sâm cũng phải nghe theo. Đó là cuộc hôn nhân lạ lùng nhất. Sách HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ (hồi thứ nhất và hồi thứ hai) chép:
“Con gái của Trịnh Sâm tên là Trịnh Thị Ngọc Lan rất yếu đuối, từ nhỏ vẫn được chúa Trịnh Sâm cho ở trong cung Thủy Tinh, luôn phải kiêng nắng gió. Nơi Ngọc Lan ở, chúa bắt thị tỳ phải đi nhẹ, nói khẽ, không được làm cho nàng giật mình. Khi Ngọc Lan đã lớn, mỗi lần vào thăm, chúa đều cho ngồi cạnh như thuở còn bé. Bất cứ điều gì Ngọc Lan cầu xin, chúa cũng chiều theo. Bấy giờ, công thần quý tộc từng tới cầu hôn nhưng chúa chưa ưng gả cho ai. Có lần, chúa xuống lệnh cho các quan văn võ vào phủ để Ngọc Lan tự ý kén chọn, nhưng nàng chẳng bằng lòng ai. Đến đây, Đặng Thị Huệ cầu hôn Ngọc Lan cho em trai mình, chúa sợ mất lòng nên bất đắc dĩ mà phải gượng nhận lời. Đặng Mậu Lân vốn là kẻ hung đồ, từ khi chị gái được chúa sủng ái thì hắn lại càng càn rỡ. Hắn sắm sửa áo quần, xe kiệu y hệt như của chúa. Ngày ngày, hắn dẫn theo vài chục tên lâu la, cầm giáo mác đi nghênh ngang khắp phố phường, gặp bất cứ ai hắn cũng kiếm cớ gây chuyện, đôi khi còn đánh họ và lấy đó làm thích. Gặp đàn bà con gái, hễ thấy vừa mắt là hắn lập tức sai lâu la vây màn trướng lại, hãm hiếp ngay tại chỗ, ai không chịu, hắn xẻo đầu vú vất đi, chồng con hoặc thân nhân kẻ bị nạn mà dám kêu ca là hắn lập tức sai vặn răng, thậm chí là đánh chết. Thiên hạ sợ Đặng Mậu Lân còn hơn cả sợ beo hay sợ cọp. Chúa cũng biết thế, cho nên, tuy đã nhận lời gả con gái cho Đặng Mậu Lân, lòng vẫn cứ lo âu. Chúa nghĩ, con gái mình yếu ớt, tất không thể nào chịu nổi một tên cường bạo, vì vậy mà ngày cho con về với Đặng Mậu Lân, chúa lấy cớ là Ngọc Lan chưa từng lên đậu hay lên sởi để ngăn cản Đặng Mậu Lân làm lễ hợp cẩn. Đã thế, chúa còn sai quan A Bảo và thị nữ đi theo để bảo vệ, đồng thời, cho Nội Giám Sử Trung Hầu giám sát mọi việc, quyết không cho Đặng Mậu Lân động tới con gái mình. Đặng Mậu Lân tuy được Ngọc Lan nhưng cứ hễ đến với Ngọc Lan là bị Sử Trung Hầu ngăn cản. Hắn tức giận, nói với Sử Trung Hầu rằng:
- Chúa nói con gái của chúa là tiên giáng trần nhưng xem ra thì chẳng bằng con bé làm đầy tớ xách giầy cho ta, quý hóa cái nỗi gì? Thật tình, ta cũng chẳng ham hố gì chút nhan sắc của nó, nhưng đã trót tốn kém bao nhiêu mới lấy được một con vợ, tuy chẳng ra hồn nhưng ta cũng phải cho một trận mây mưa, bắt nó phải nhũn ra như bùn mới thôi. Có thế mới mong bù đắp được chút ít phí tổn, xong, ta sẽ đuổi đi cũng chẳng sao. Còn mày nữa, muốn sống muốn tốt thì tìm đường mà xéo đi kẻo mang tiếng là ta không báo trước.
Sử Trung Hầu nói:
- Đó chẳng qua là mật chỉ của Chúa Thượng chớ tôi đâu dám tự ý làm như thế.
Đặng Mậu Lân nói:
- Mày thử về hỏi chúa mày xem, nếu ở hoàn cảnh như tao thì liệu chúa mày có chịu nổi không?
Sử Trung Hầu nói:
- Quan lớn đừng nên quá lời như vậy. Nhà chúa làm sao lại có thể đem sánh với nhà của người thường được.
Đặng Mậu Lân nổi giận, mặt đằng đằng sát khí, mắng rằng:
- Hả, mày đem chúa ra để dọa tao hả? Chúa là cái quái gì?
Dứt lời, hắn tuốt gươm chém Sử Trung Hầu chết ngay tại chỗ và hạ lệnh đóng chặt cửa dinh lại, nội bất xuất, ngoại bất nhập, dự tính thủ tiêu xác của Sử Trung Hầu để phi tang. Ngọc Lan biết, bèn sai một thị tỳ chui qua lỗ hở nhỏ, chạy về phủ chúa để báo tin. Chúa cả giận, sai đem lính đến để bắt Đặng Mậu Lân. Hắn tuốt gươm, đứng chắn ngang trước cửa và dọa rằng:
- Đứa nào muốn thí mạng thì hãy vô đây.
Chúa sai Huy Quận Công(1), đem quân đến bắt Đặng Mậu Lân giải về phủ chúa, giao cho đình thần xét tội. Các quan luận rằng, tội giết chết sứ giả của chúa đáng khép vào hình phạt chém bêu đầu. Đặng Thị Huệ nghe tin, than van khóc lóc, xin chết thay cho em. Chúa bất đắc dĩ phải tha tội chết cho Đặng Mậu Lân, xử hắn đày viễn xứ ”.
Lời bàn: Tội danh và tội trạng của Đặng Mậu Lân, thế là đã quá rõ, vấn đề còn lại chỉ là chuyện ấn định mức án sao cho phải nữa thôi. Các quan dựa vào phép nước để luận tội, nghĩ mà thấy thương hại. Bấy giờ, phép nước đã bị các phe đảng xé tả tơi, chỉ những kẻ dại dột, muốn chuốc họa vào thân mới ngây thơ, bám víu vào đó. Nếu phép nước còn được tôn trọng thì làm gì nên nỗi trong một nước mà đã có vua lại còn có chúa? Đặng Thị Huệ khóc lóc xin chết thay em, ấy là bởi Đặng Thị Huệ cầm chắc rằng, từ chúa đến bá quan, không ai dám làm như vậy. Chỉ một cái liếc mắt, Đặng Thị Huệ đã hạ gục chúa Trịnh Sâm, huống chi bây giờ, Đặng Thị Huệ dùng đến cả những lời đáo để thế kia. Cái lưỡi của những người đàn bà có nhan sắc, có tài lại nhiều tham vọng, đôi khi còn đáng sợ hơn cả gươm giáo của hàng chục vạn quân. Cái lưỡi của Đặng Thị Huệ đã khiến cho nhà chúa ngả nghiêng, luân thường đổ nát, phép nước tan tành, đáng sợ lắm thay!
Đặng Mậu Lân sở dĩ có thể nghênh ngang tác oai tác quái cũng bởi phủ chúa đương thời có quá lắm kẻ nhân cách tương tự như Đặng Mậu Lân đó thôi. Trị tội Đặng Mậu Lân thì được chứ trị tội những kẻ bạo ngược nói chung thì không thể được. Trị như thế, thử hỏi cả phủ chúa, sẽ còn được mấy người vô can. Chúa là cái quái gì? Câu chí lý ấy chẳng dè được phát ra từ một tên côn đồ. Đặng Mậu Lân tuy đã chết rồi nhưng câu nói ấy thì vẫn mãi còn. Chúa ơi!
_____________________
1. Tức Hoàng Đình Bảo.