Việt sử giai thoại: Hội nghị Diên Hồng

Sau thất bại của cuộc xâm lăng lần thứ nhất (1258), và sau nhiều năm xét thấy không thể mua chuộc hay hù dọa triều Trần, cuối năm 1284, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt quyết định xua quân sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Lúc này, do cuộc thôn tính Trung Quốc đã xong, đường tiến quân xâm lược của giặc có phần thuận lợi hơn. Với 50 vạn tên từ phương Bắc xuống và tới non 10 vạn tên từ phía Nam đánh lên, giặc hy vọng sẽ nhanh chóng bóp nát Đại Việt.

      Thấy rõ dã tâm của giặc, ba năm trước đó (1282), triều Trần đã triệu tập quý tộc và tướng lĩnh cao cấp đến họp ở Bình Than để bàn phương hướng chiến lược chống xâm lăng và quyết định việc xây dựng bộ máy chỉ huy chống xâm lăng. Tháng 11 năm 1284, triều Trần lại cử Trần Phủ cầm đầu phái bộ sứ giả sang triều đình nhà Nguyên với mục đích chủ yếu là tìm kế hoãn binh giặc, nhưng việc ấy không thành. Tháng Chạp năm Giáp Thân (1. 1285), thái thượng hoàng Trần Thánh Tông xuống chiếu mở một cuộc hội nghị hết sức quan trọng ở điện Diên Hồng, sử gọi đó là hội nghị Diên Hồng. Tham dự hội nghị này là các vị bô lão, đại diện cho nhân dân cả nước, thượng hoàng đích thân ban yến và hỏi các vị bô lão là nên đánh hay nên hòa. Một đời thân phận thấp hèn, tay bùn chân lấm, nay bỗng dưng được triều đình mời vào tận hoàng cung để bàn quốc gia đại sự, tinh thần của các vị bô lão phấn chấn khác thường. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển 5, tờ 44a) chép: “Các cụ bô lão đều nói đánh, muôn người cùng một tiếng, muôn lời như bật ra từ một miệng”.
      Về cuộc hội nghị độc đáo này, sử thần Ngô Sỹ Liên có lời bàn như sau: “Giặc Hồ vào cướp là nạn lớn của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn, há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi ban yến rồi hỏi kế sách ở các bô lão hay sao? âËy bởi Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân và cũng để dân nghe lời dụ hỏi mà cảm kích rồi hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa của cổ nhân, kính dưỡng người già để xin lời hay vậy” (Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển 5, tờ 44b). 
      Người kể chuyện xin có một chú thích: Ở đây, giặc Hồ chính là giặc Mông Nguyên.


      Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và Chiêu Minh vương Trần Quang Khải

      Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là con trai thứ hai của An Sinh vương Trần Liễu, còn Chiêu Minh vương Trần Quang Khải là Hoàng tử thứ ba của vua Trần Thái Tông, xét trong thế thứ họ hàng ruột thịt, Trần Quốc Tuấn là anh con bác của Trần Quang Khải. Đời cha, Trần Liễu có mối thâm thù với Trần Thái Tông, nhưng đến đời con, Trần Quốc Tuấn xử sự hoàn toàn khác. Sách Khâm định Việt sửthông giám cương mục (chính biên, quyển 8, tờ 24 và 22) có ghi lại hai mẩu chuyện rất cảm động như sau:
      “Trước kia (vua Trần) Thánh Tông thân đem quân đi đánh Mán Bà-la, Quang Khải đi theo. Khi sắp đi, sứ thần Trung Quốc tới. Thánh Tông triệu Hưng Đạo vương Quốc Tuấn đến bảo rằng:
      - Thượng tướng (chỉ Trần Quang Khải -ND) theo quan gia (chỉ vua Trần -ND) đi đánh giặc, trẫm muốn phong cho nhà người làm tư đồ, sung vào việc ứng tiếp.
      Quốc Tuấn thưa rằng:
      - Việc ứng tiếp sứ thần Trung Quốc, tôi xin đảm nhận, còn việc phong chức tư đồ, tôi không dám nhận. Nay quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu, Bệ hạ lại tự ý phong chức cho tôi, e rằng tình nghĩa trên dưới chưa được ổn thỏa.
      Việc ấy bèn thôi. Quang Khải với Quốc Tuấn vốn trước không hòa hiệp với nhau. Có một hôm, Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp về, Quang Khải cùng Quốc Tuấn đánh cờ chơi đùa suốt ngày. Quang Khải tính không hay tắm gội. Quốc Tuấn cởi áo và lau rửa giúp Quang Khải rồi nói:
      - Hôm nay tôi được tắm cho Thượng tướng.
      Quang Khải cũng nói:
      - Hôm nay tôi được Quốc công tắm rửa cho.
      Từ bấy giờ, hai người chơi với nhau thân mật lắm”.
      Lời bàn:Xưa nay, người ta rất dễ nhất trí với nhau về những chuyện lớn, nhưng với những chuyện lặt vặt của đời thường, người ta lại rất khó bỏ qua cho nhau. Mối quan hệ giữa Quốc Tuấn và Quang Khải ban đầu cũng không ra ngoài thói thường ấy.
      Cũng xưa nay, đôi khi chuyện lớn lại được giải quyết một cách dễ dàng bắt đầu từ một chuyện ngỡ như rất nhỏ. Chuyện nhỏ vì thế không còn nhỏ nữa, bởi chỉ có những đấng đại trượng phu chính tâm thành ý mới có thể dũng cảm làm được. Như Quốc Tuấn không nhận chức tư đồ, lại tắm cho Quang Khải… những việc ấy cũng phải dũng cảm lắm mới làm được. Ngẫm mà xem!

Theo Việt sử giai thoại, NXB Giáo dục, 2008

Văn hóa

Đặc sắc trình diễn thời trang thổ cẩm dưới bóng cây long não di sản trăm tuổi ở Buôn Ma Thuột
Địa phương

Đặc sắc trình diễn thời trang thổ cẩm dưới bóng cây long não di sản trăm tuổi ở Buôn Ma Thuột

"Vũ điệu Ban Mê" - chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống do UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức tại khuôn viên Biệt điện Bảo Đại đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người dân và du khách. Đây là một hoạt động hướng tới Chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk gắn với 120 năm Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển; 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk.

Toàn cảnh tọa đàm khoa học về nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Binh Lục sáng 18.10
Văn hóa - Thể thao

Vũ Bình Lục - người giải mã nhiều tác giả, tác phẩm văn học trung đại

Tại tọa đàm “Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học trung đại” do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức sáng 19.10, các đại biểu cho rằng, Vũ Bình Lục đã đi đúng hướng khi kết hợp văn và sử để đọc, dịch, tìm hiểu, giải mã nhiều tác giả, tác phẩm lớn của văn học trung đại Việt Nam.

Giới thiệu "tinh hoa cổ vật Xứ Đông"
Văn hóa - Thể thao

Giới thiệu "tinh hoa cổ vật Xứ Đông"

Ngày 19.10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương phối hợp khai mạc trưng bày chuyên đề “Tinh hoa cổ vật Xứ Đông - Hải Dương lần thứ I” và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần là bảo vật quốc gia.