Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) là con thứ của Nguyễn Kim. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Nguyễn Kim cùng với một số cựu thần của nhà Lê chạy vào Thanh Hóa. Năm 1533, Nguyễn Kim đã tôn lập Lê Ninh lên ngôi, đó là Lê Trang Tông (1533–1548), Hoàng Đế đầu tiên của Nam Triều trong cục diện hỗn chiến Nam - Bắc. Năm 1545, Nguyễn Kim bị một tướng trá hàng của Bắc Triều (tức triều Mạc) là Dương Chấp Nhất giết hại bằng một liều thuốc độc. Kể từ đó, cuộc khủng hoảng nội bộ của Nam Triều bắt đầu. Theo lẽ thường, quyền điều khiển Nam Triều phải thuộc về con trưởng của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông, nhưng, con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm đã giết hại Nguyễn Uông, thâu tóm hết quyền lực về tay mình. Địa vị và tính mạng của Nguyễn Hoàng bị đe dọa nghiêm trọng. Nguyễn Hoàng đã không khéo tìm cách thoát hiểm như thế nào? Sách TRỊNH - NGUYỄN DIỄN CHÍ (quyển 1) chép:
“Mậu Ngọ, niên hiệu Chính Trị năm thứ nhất(1), con của Thái Sư Chiêu Huân Tĩnh Vương(2) là Hữu Tướng Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng đi đánh nhà Mạc, lập công lớn, đến đâu là dân mừng và giặc sợ. Nhưng, khi Chiêu Huân Tĩnh Vương qua đời, Thái Sư Minh Khang Vương là Trịnh Kiểm, con rể của Chiêu Huân Tĩnh Vương, thường hay cậy thế, không hề nghĩ đến ân tình, ngầm nuôi lòng ghen ghét, muốn mưu hại Đoan Quận Công. Bấy giờ, Thích Quốc Công(3) là cậu ruột của Đoan Quận Công bí mật bàn với Đoan Quận Công, rằng phải sai người lén vào nội cung, cầu cứu với chị ruột của Đoan Quận Công là Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Chính Phi của Trịnh Kiểm. Người chị nghe chuyện lấy làm lo, bèn lập mưu, bắt Nguyễn Hoàng giả vờ điên rồi thưa với Minh Khang Vương rằng:
- Em của tiện thiếp là Đoan Quận Công, đang không may mắc phải bệnh điên. Kẻ mê muội thì không thể giúp việc chính sự cho triều đình. Thân thiếp cũng bị nhiều phen phải xấu hổ bởi người ta chê cười. Nay, nghe nói hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam là nơi rừng thiêng nước độc, dân mọi rợ hung dữ, ai ai cũng chê, không muốn đến trấn trị. Vậy, cúi xin ông hãy nghĩ đến công lao của cha và tình riêng của thiếp, cho em thiếp là Đoan Quận Công vào trấn trị ở xứ ấy, làm kẻ bề tôi giữ nơi phên giậu, được hưởng ơn mà sống một đời, có vậy tình nghĩa chị em may ra mới được trọn vẹn. Xin tôn ông ưng thuận cho.
Thái Sư Minh Khang Vương nghe vậy liền nói:
- Em mình là Đoan Quận Công, anh hùng tuấn kiệt, đa mưu túc trí, có thể dùng vào việc lớn, sao lại nói là đần độn. Ta không nỡ để em vào nơi đất xấu, phu nhân chớ ngại, ta thật chẳng có lòng nào.
Chính Phi nghe thế thì quỳ xuống nức nở khóc, khẩn khoản nài xin đến hai ba lần. Thái Sư Minh Khang Vương nghĩ rằng xứ ấy có quân nhà Mạc, cứ cho hắn đến, kể như mượn tay họ Mạc để trừ khử đi, ta vừa tránh được họa, lại vừa tránh được tiếng là không biết dùng người, bởi thế, bèn ưng chịu. Chính Phi lui ra còn Thái Sư thì vào tâu xin mệnh phong cho Nguyễn Hoàng làm Thái Úy Đoan Quốc Công, giữ chức Trấn Thủ, tổng quản việc quân và việc dân của cả hai xứ Thuận Quảng, hàng năm theo lệ thuế mà dâng nạp(4).
Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng vái tạ rồi từ biệt chị là Chính Phi Nguyễn Thị Ngọc Bảo và cùng các con là Thái Bảo Hòa Quận Công, Thụy Quận Công với một số tướng lĩnh khác như Văn Nham, Thạch Xuyên, Tiền Trung, Tường Lộc... ngay ngày hôm đó, đem một ngàn quân thủy bộ, ra cửa biển, nhằm thẳng hướng Thuận Quảng mà tiến”.
Lời bàn: Thời mà thiên hạ cứ thẳng tay chém giết lẫn nhau là thời loạn. Thời mà cả đến anh em ruột thịt một nhà cũng chém giết lẫn nhau là thời đại loạn. Thời Nguyễn Hoàng là một trong những thời đại loạn.
Sống trong cảnh ngộ éo le ấy, Nguyễn Hoàng không điên đã là giỏi, tỉnh táo mượn sự giả điên để che kế sách của mình thì lại càng giỏi hơn. Nếu sinh vào thời thái bình thịnh trị, sự nghiệp của ông chưa dễ lường trước được đâu.
Cũng trong thời loạn, tất cả mọi sự khác thường đều trở nên bình thường, cho nên, những gì Trịnh Kiểm đã làm, xem ra cũng đều là bình thường cả. Đúng là như vậy mà sao chua chát cũng là vậy. Mới hay, sắc phong chức tước thời loạn bao giờ cũng chỉ có một màu, đó là màu máu của những kẻ thất thế trong những cuộc tranh đoạt. Khiếp thay !
Khi một người thông thái và giàu bản lĩnh mà giả điên thì hãy coi chừng. Ta không biết điều họ biết, nhưng ngược lại, họ lại biết rất rõ về ta. Nghe nói loài đại bàng trước khi hùng dũng cất cánh bay lên thường nhún nhẩy một cách vụng về, khiến cho lũ gà mái thất vọng, tưởng đại bàng không biết bay, bèn đắc ý cục tác ầm ỹ cả lên.
_______________________________________________
1. Tức năm 1558
2. Tước hiệu được truy tôn của Nguyễn Kim
3. Tức Nguyễn Ư Dĩ
4. Chỗ này nguyên bản nhầm. Lúc đầu, Nguyễn Hoàng chỉ mới nhận chức Trấn Thủ xứ Thuận Hóa, tức vùng Bình Trị Thiên ngày nay. Mãi đến năm 1570, Nguyễn Hoàng mới kiêm giữ chức Trấn Thủ Quảng Nam.