Dự án đột phá
Theo báo cáo từ Nikkei Asia, dự án 10.000 công ty khởi nghiệp (startup) của Thái Lan nhằm mục đích nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp và y tế vào cuối năm 2027. Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các công ty khởi nghiệp phát triển và mở rộng. Dự án này là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm thúc đẩy đổi mới và khởi nghiệp trong nước, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Nếu thành công, 10.000 dự án khởi nghiệp có thể có tác động mang tính đột phá đối với nền kinh tế và xã hội Thái Lan.
Kế hoạch mở rộng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm startup sẽ được triển khai trong 4 năm, bắt đầu từ năm 2024. Chính phủ Thái Lan dự định cung cấp 5 tỷ baht cho các khoản tài trợ và quỹ đầu tư của NIA trong 4 năm tới, gấp đôi số tiền được phân bổ trong 4 năm trước đó. Nguồn vốn sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực: nông nghiệp, y tế, du lịch, sức mạnh mềm và năng lượng, bao gồm xe điện. Kế hoạch cũng kêu gọi hỗ trợ hơn 1.500 dự án mới. Thông qua các kế hoạch này, Thái Lan mong muốn sẽ trở thành 1 trong 30 quốc gia hàng đầu thế giới về đổi mới công nghệ vào năm 2030. Xứ sở chùa Vàng hiện đứng thứ 43 trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.
Theo báo Bangkok Post, bà Krithpaka Boonfueng cho biết, việc phát triển thêm 10.000 startup, với lực lượng lao động dự kiến lên đến 15.000 người, bên cạnh 5.000 startup hiện có là một trong 7 chiến lược của NIA để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Thái Lan. Qua đó, NIA muốn tạo ra tác động kinh tế trị giá 20 tỷ baht trong các lĩnh vực trọng điểm của đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, NIA cũng sẽ tập trung vào việc loại bỏ các rào cản về khả năng tiếp cận và sửa đổi những quy định có thể cản trở tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, lĩnh vực HealthTech (công nghệ sức khỏe) tại Thái Lan đang thu hút ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp. Theo dữ liệu của Tracx - một trong những nền tảng dữ liệu thị trường tư nhân hàng đầu theo dõi các công ty trên toàn cầu, Thái Lan có khoảng 270 HealthTech, bao gồm Salary Hero (một nền tảng sức khỏe tài chính được xây dựng cho lực lượng lao động Thái Lan), Advanced Buteyko, Ooca, HD và HonestDocs. Những công ty khởi nghiệp này đang phát triển các giải pháp sáng tạo để cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí và cải thiện kết quả của bệnh nhân.
Công nghệ là chìa khóa phát triển nông nghiệp
Mặc dù 60% dân số Thái Lan làm trong lĩnh vựng nông nghiệp, nhưng số lượng công ty khởi nghiệp về công nghệ nông nghiệp (AgTech) lại ít đến mức đáng ngạc nhiên. Theo khảo sát của NIA, hiện nay chỉ có 53 công ty khởi nghiệp AgTech trong nước, một con số rất nhỏ so với số lượng công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực khác. Sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp nông nghiệp mới chắc chắn sẽ mang đến làn gió mới trong việc hỗ trợ nông dân trong tương lai gần.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng, mặc dù dự án 10.000 công ty khởi nghiệp được xem là một bước tiến vượt bậc hướng tới sự đổi mới, nhưng con đường đi đến thành công của những công ty khởi nghiệp mới này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt từ những công ty đã có tiếng. Để có thể phát triển trong bối cảnh cạnh tranh này, những công ty khởi nghiệp mới sẽ phải tạo ra những bản sắc riêng biệt và đưa ra những đề xuất mang lại giá trị độc đáo, giúp họ trở nên khác biệt trong thị trường.
Khi tập trung vào các công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp, Thái Lan đang dần thân vào một kỷ nguyên mới về công nghệ nông nghiệp mang đến nhiều tiềm năng và sự phát triển cho nông dân. Nỗ lực đầy tham vọng này sẽ cách mạng hóa ngành nông nghiệp Thái Lan thông qua việc tích hợp các công nghệ mới nổi và AI. Để đạt được tầm nhìn này, Thái Lan đang tích cực tìm hiểu kinh nghiệm của các nước khác và rút ra những bài học quý giá để vượt qua thách thức, và nuôi dưỡng một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Những thách thức đối với các công ty khởi nghiệp
Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm đang phát triển của Thái Lan đang ở ngã ba đường. Quốc gia này đang nỗ lực phấn đấu vượt qua các thách thức để trở thành công ty dẫn đầu khu vực ở châu Á (hiện xếp thứ 53 toàn cầu và thứ 11 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Thái Lan được kỳ vọng có thể phát huy tiềm năng của mình thông qua nỗ lực hợp tác giữa nhiều bên liên quan. Những thách thức mà Thái Lan phải đối mặt bao gồm vốn rủi ro hạn chế, thiếu các sáng kiến có tác động mạnh mẽ của Chính phủ để nuôi dưỡng sự đổi mới, và khan hiếm câu chuyện thành công của startup kỳ lân (đây là tiêu chí đánh giá thành công của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia) có thể thu hút nhân tài hàng đầu xem xét khởi nghiệp.
Những thách thức liên kết với nhau này đã dẫn đến những khuyến khích và giải pháp sáng tạo của chính phủ Thái Lan. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, Thái Lan đang xem xét kinh nghiệm của các quốc gia khác như Singapore, Malaysia, Anh và Israel. Các quốc gia này đã thành công trong việc nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm (VC) của mình thông qua sự hỗ trợ của chính phủ, tầm nhìn quốc gia mạnh mẽ và sự phối hợp của nhiều cơ quan. Chìa khóa thành công của họ là việc thiết lập các chương trình đổi mới nền tảng, bao gồm các sáng kiến bình đẳng, tất cả đều phù hợp với tầm nhìn rõ ràng về thúc đẩy đổi mới. Và bằng cách học hỏi từ những thị trường “trưởng thành" này, Thái Lan đang áp dụng một chiến lược toàn diện nhằm giải quyết những thách thức hiện tại.
Trì hoãn kế hoạch phát tiền
Sau khi nhận chức hồi tháng 8, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã công bố nhiều biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế đang trì trệ. Một trong nỗ lực nổi bật nhất của ông là kế hoạch phát cho mỗi người dân từ 16 tuổi trở lên 10.000 bath thông qua ví điện tử. Nỗ lực này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa, qua đó giúp kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, kế hoạch này ước tính tiêu tốn ngân sách 548 tỷ baht đã vấp phải nhiều chỉ trích vì những rủi ro đối với nền kinh tế Thái Lan trong thời điểm nợ công đang thách thức giới hạn cho phép.
Hồi đầu tháng 10, 99 nhà kinh tế từ các trường đại học hàng đầu Thái Lan, bao gồm cả cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước, đã gửi thỉnh nguyện thư chung tới Thủ tướng Srettha Thavisin để phản đối kế hoạch phát tiền và yêu cầu Chính phủ xem lại dự án. Song ông Srettha cho biết, có những nhà kinh tế đã bày tỏ quan ngại về chính sách này và ông luôn sẵn sàng lắng nghe những gì họ nói. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có hàng triệu người Thái Lan đang thực sự cần số tiền đó, đặc biệt là những người nghèo. Trước những áp lực này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Julapun Amornvivat, thông báo Chính phủ sẽ lùi lại ngày dự kiến bắt đầu phát tiền (thông báo trước đó là 1.2.2024) vì cần thêm thời gian để phát triển hệ thống bảo mật. Dù vậy, ông nhấn mạnh rằng, chương trình này sẽ được triển khai trong quý I năm sau, ngay cả khi nguồn huy động tiền hiện vẫn là vấn đề nan giải.