
Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh cho biết, 7 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 208 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 8.500 con.
So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 78% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm 82%. Kết quả này một phần nhờ Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi.
Trong một năm qua, sau khi sử dụng 600.000 liều vaccine với sự giám sát của Cục Thú y tại hơn 40 tỉnh, thành phố, cho kết quả an toàn, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng.
Các doanh nghiệp hướng dẫn các địa phương về tiêu chí kỹ thuật, lựa chọn lợn đáp ứng điều kiện để tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, chủ động, tiếp tục thực hiện giám sát chất lượng vaccine và chịu trách nhiệm về chất lượng vaccine khi cung ứng trên thị trường.
Bên cạnh đó, theo đề nghị của một số quốc gia, Việt Nam đã hỗ trợ, cử chuyên gia và phối hợp tổ chức tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Về tình hình xuất khẩu vaccine, cũng theo ông Minh, đoàn chuyên gia của Mỹ đã sang đánh giá và khẳng định chất lượng và hiệu lực của vaccine dịch tả lợn châu Phi rất tốt. Philippines cũng đã mua 300.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi từ Việt Nam, hiệu quả đạt gần 100% và Chính phủ nước này đã cho phép nhập thêm hàng triệu liều để phục vụ phòng bệnh cho đàn lợn.
Dự kiến từ nay đến tháng 10.2023, chúng ta sẽ bán cho Philipines và Indonesia 2 triệu liều vaccine dịch tả lợn châu Phi. Sau khi có kết quả ở nhiều quốc gia khác, cơ hội thương mại hóa vaccine dịch tả lợn châu Phi sẽ ngày càng được mở rộng.
Hiện, Việt Nam có hai loại vaccine dịch tả lợn châu Phi là NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và được cấp Giấy chứng nhận lưu hành.