Nhu cầu tăng mạnh
Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới sau đại dịch. Dự báo tới năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ phục vụ tới 136 triệu hành khách, gấp đôi số lượng dự kiến cho cả năm 2022 là 70 - 80 triệu lượt hành khách.
Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay Việt Nam có 22 sân bay hoạt động bay dân sự, trong đó có 10 sân bay quốc tế. Việc phát triển thêm các sân bay nhỏ là cần thiết, nhất là trong bối cảnh mạng lưới sân bay tại Việt Nam vẫn được cho là “mỏng” hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong khi Việt Nam là một nền kinh tế mở, nhu cầu đi lại, giao thương ngày càng gia tăng.
TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, địa phương đề xuất xây sân bay là nhu cầu chính đáng. Lợi ích của sân bay không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế của việc khai thác trực tiếp sân bay mà còn có lợi ích gián tiếp về kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, quyết định có xây hay không cần có phản biện khoa học và tính toán kỹ để tránh sai sót.
Theo TS. Trần Đình Thiên việc các địa phương liên tục xin bổ sung vào quy hoạch và triển khai đầu tư các sân bay lưỡng dụng, quy mô nhỏ là nhu cầu có thực, khác xa kiểu đầu tư theo phong trào trong giai đoạn trước đây. Việc có sân bay còn giúp các địa phương đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông mở ra nhanh cánh cửa với khu vực và thế giới đối với các hàng hóa, sản phẩm đặc hữu, bảo đảm an ninh - quốc phòng trong tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các sân bay nhỏ ngoài phục vụ nhu cầu di chuyển hành khách và hàng hóa, còn là “bộ đệm” dự phòng cho các sân bay lớn, có ý nghĩa giúp thúc đẩy kinh tế địa phương, phục vụ an ninh quốc phòng cũng như thực hiện các chức năng khác nhằm hỗ trợ sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, phòng chống cháy rừng…
Sân bay nhỏ có nhiều ý nghĩa
Việt Nam cần tính tới việc quy hoạch hệ thống sân bay theo 3 lớp, ông Mick Werson, Chuyên gia Kinh tế trưởng NACO - một công ty thuộc Tập đoàn Royal HaskoningDHV với kinh nghiệm hơn 70 năm cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư hạ tầng hàng không trên thế giới, khuyến cáo.
Trên cùng là sân bay trung tâm lớn với hơn 20 triệu lượt hành khách mỗi năm; tầng thấp nhất là sân bay địa phương với ít hơn 1 triệu hành khách; ở giữa là lớp cầu nối giữ vai trò kết nối các sân bay trung tâm và sân bay địa phương. Những sân bay này không chỉ có chức năng như một trung chuyển trực tiếp cho các sân bay lớn trong mạng lưới để tối ưu hóa vận tải mà còn là sân bay dự phòng chiến lược trong trường hợp các sân bay lớn bị quá tải. Nói cách khác, các sân bay trung tâm lớn không thể duy trì mạng lưới giá trị và lưu lượng giao thông vượt trội của chúng nếu không có các sân bay nhỏ.
Ngoài ra, theo ông Mick Werson, bên cạnh chức năng kết nối, các sân bay nhỏ còn mang những ý nghĩa khác. Các sân bay nhỏ với hơn 1 triệu hành khách mỗi năm khi được quản lý hợp lý có thể tạo ra giá trị kinh tế trực tiếp về lợi nhuận cho các nhà khai thác và nhà đầu tư. Đồng thời, tạo việc làm trực tiếp và giá trị kinh tế gián tiếp giúp thu hút đầu tư và thúc đẩy hoặc hỗ trợ các hoạt động kinh tế như du lịch, qua đó đóng góp vào nguồn thu thuế cho Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, quy mô, hiệu quả đầu tư xây dựng, khai thác, vận hành (gắn với tổ chức vận tải) sẽ quyết định việc đầu tư phát triển sân bay. Đối với những nội dung này để nhà đầu tư quyết định. Nhà nước cần tạo một môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư vào các sân bay địa phương theo phương thức hợp tác công - tư (PPP).
"Bài toán vĩ mô hơn là quy hoạch tổng thể quốc gia”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh. Cũng theo ông Hiếu, hiện nay đã có tiêu chí về quy hoạch xây dựng sân bay nhưng cần phải có thêm các tiêu chí minh bạch hơn trong việc xác minh tính ưu tiên, để các địa phương khi đề xuất nếu không được cấp phép đồng thời sẽ không “ấm ức”.