Tầm ảnh hưởng rộng lớn ở cả trong và ngoài nước
Phát biểu tại buổi lễ, TS Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển chia sẻ, ngày 19.3.2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, một đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa (trước đó là Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thành lập năm 1989).
Trải qua quá trình phát triển gồm 15 năm thời kỳ là Trung tâm và 20 năm kể từ khi thành lập, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, “từng bước vươn lên đảm nhiệm sứ mệnh của một viện quốc gia đầu ngành về nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học, có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở cả trong và ngoài nước”.
Theo TS Phạm Đức Anh, chặng đường 35 năm qua của Trung tâm và Viện đã ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng, đáng tự hào.
Theo đó, Viện đã khẳng định được uy tín và vị thế của một trung tâm hàng đầu cả nước trong nghiên cứu cơ bản, liên ngành theo định hướng ứng dụng về các vấn đề liên quan tới Việt Nam học và Khoa học phát triển.
Tính từ khi thành lập đến nay, Viện đã chủ trì 136 đề tài, nhiệm vụ KH&CN các cấp ở trong nước và các dự án hợp tác quốc tế, trong đó có nhiều đề tài thuộc các chương trình KH&CN cấp Nhà nước, như: Chương trình KX.10, KX.09, Đề án Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ, Chương trình Tây Bắc, Chương trình Biển và Hải đảo, Đề án xây dựng Bộ Lịch sử Việt Nam, Nhiệm vụ Quốc chí…
Các đề tài được triển khai tại Viện tập trung vào hướng nghiên cứu và có những đóng góp thiết thực trong nhiều vấn đề quan trọng của Việt Nam như: Nghiên cứu góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển và hải đảo; Nghiên cứu hệ thống chính trị và chủ thuyết phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế; Nghiên cứu về vùng đất Nam Bộ, về Thăng Long - Hà Nội (chỉ riêng trong dịp kỷ niệm 1.000 năm lịch sử của Thủ đô, Viện đã tổ chức biên soạn, xuất bản 17/94 công trình và tham gia biên soạn 20 công trình khác thuộc Tủ sách Thăng Long - Hà Nội); Nghiên cứu các địa phương, khu vực phục vụ phát triển bền vững nông thôn và đô thị; Tham gia nghiên cứu và xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới đối với Phố cổ Hội An (1999), Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2010), Thành Nhà Hồ (2011).
Bên cạnh đó, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã từng bước tạo lập được danh tiếng của một cơ sở đào tạo uy tín, góp phần xây dựng đội ngũ chuyên gia và nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao về Việt Nam học và Khoa học phát triển ở trong và ngoài nước.
Sau khi thành lập, Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam đã đảm nhiệm sứ mệnh đào tạo chuyên gia, bồi dưỡng chuyên môn cho các nhà nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và quốc tế, trực tiếp góp phần hình thành nên thế hệ mới của đội ngũ Việt Nam học toàn thế giới. Trong số hàng trăm sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đã đến học tập và nghiên cứu tại Trung tâm, đến nay nhiều người đã trở thành những nhà Việt Nam học nổi tiếng khắp thế giới.
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển cũng giữ vững vai trò đầu mối của nhịp cầu giao lưu học thuật và văn hóa, kết nối mạng lưới Việt Nam học trong nước với quốc tế.
TS Phạm Đức Anh cho hay, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển hiện nay có mối quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả. Viện là đối tác tin cậy của 36 trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi năm, Viện đón tiếp hàng chục chuyên gia, nhà khoa học, học viên và sinh viên nước ngoài đến giảng dạy, học tập, trao đổi.
Trong khuôn khổ những chương trình hợp tác đó, Viện đã cùng các đối tác quốc tế triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học và giảng dạy tiếng Việt.
Giữ vững vai trò đầu mối của nhịp cầu giao lưu học thuật và văn hóa
Đánh giá cao những nỗ lực của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển trong 20 năm qua, GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, với chức năng, nhiệm vụ được giao và dựa trên thế mạnh vốn có, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển còn là một đơn vị uy tín trong giảng dạy tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài.
Chương trình này bắt đầu được tổ chức giảng dạy từ khi mới thành lập Trung tâm, xuất phát từ nhu cầu của các nhà khoa học vào Việt Nam nghiên cứu muốn được học tiếng Việt cơ bản hoặc nâng cao để phục vụ giao tiếp và chuyên môn.
Sau này, nhiều chuyên gia đầu ngành về Việt Nam học tại các quốc gia trên thế giới đã từng theo học các khóa tiếng Việt tại Trung tâm. Tính đến nay, đã có khoảng hơn 500 sinh viên nước ngoài tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về tiếng Việt tại Viện ở những trình độ khác nhau. Đây là nền tảng quan trọng để họ tiếp tục học tập ở những trình độ cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ), hoặc để phục vụ tốt hơn những công việc ở Việt Nam và liên quan tới Việt Nam.
Trên cơ sở lợi thế về khoa học liên ngành và đội ngũ nhà khoa học hàng đầu, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển còn tích cực hợp tác với các cơ quan ở Trung ương và các địa phương tổ chức nhiều khoá bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lí các cấp theo những yêu cầu khác nhau.
Những Thạc sĩ, Tiến sĩ, cán bộ trải qua quá trình đào tạo tại Viện, đến nay nhiều người đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học uy tín, giữ những cương vị khác nhau trong các cơ quan hành chính, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở trong và ngoài nước. Những học viên, nghiên cứu sinh quốc tế sau khi tốt nghiệp, trở về nước đều có những đóng góp khác nhau cho sự phát triển của ngành Việt Nam học, cho nhịp cầu kết nối Việt Nam với thế giới.
Theo GS.TS Lê Quân, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã giữ vững vai trò đầu mối của nhịp cầu giao lưu học thuật và văn hóa, kết nối mạng lưới Việt Nam học trong nước với quốc tế.
"20 năm qua, Viện luôn khẳng định được tầm vóc, thể hiện qua các công trình khoa học, đó là niềm tự hào của Viện nói riêng và Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung. Những dấu ấn của Viện đã mang lại vị thế và tầm vóc cho Đại học Quốc gia Hà Nội trong và ngoài nước", GS.TS Lê Quân nhấn mạnh.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, Đại học Quốc gia Hà Nội đang quá trình chuyển mình, nhiệm kỳ tới là giai đoạn bứt phá. Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển sẽ là trung tâm đầu mối để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của Đại học Quốc gia Hà Nội: tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng chuyển giao trong lĩnh vực Việt Nam học, khu vực học; khẳng định vai trò nòng cốt trong đào tạo bồi dưỡng nhân tài, hội nhập quốc tế.
"Trong thời gian tới, Đại học Quốc gia Hà Nội cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điêu kiện tốt nhất cho Viện để góp phần tạo hướng đi của Viện trở thành địa chỉ quy tụ được mạng lưới chuyên gia, học giả quốc tế; là đầu mối tổ chức các hội thảo quốc tế về lĩnh vực Việt Nam học và khoa học phát triển. Viện sẽ là trung tâm giao lưu văn hóa quốc tế, giúp Đại học Quốc gia Hà Nội nâng tầm vị thế trên trường quốc tế", Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho hay.
Tại buổi lễ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân đã trao tặng bằng khen cho Việt Nam học và Khoa học phát triển vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2019-2024.
Cũng trong ngày kỷ niệm 20 năm thành lập, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã kết hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học cùng trao đổi về những vấn đề học thuật và cả những giải pháp cùng nhau hợp tác tốt hơn, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong nghiên cứu,đào tạo Việt Nam học. Đồng thời, đáp ứng cao hơn yêu cầu phát triển bền vững của Việt Nam và mang lại những giá trị gia tăng lớn hơn cho xã hội, cho sự hợp tác, tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, các dân tộc trong khu vực và trên thế giới.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được tổng cộng 172 báo cáo tóm tắt và 127 báo cáo toàn văn được gửi tới từ 227 nhà khoa học trong nước và quốc tế.