Chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh NGUYỄN ANH TUẤN, nhà sáng lập 2 mô hình học tập cộng đồng Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ, về đọc sách và văn hóa đọc.
Tạo hiệu ứng xã hội về đọc sách
- Tuần lễ cao điểm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 vừa diễn ra sôi động trên khắp cả nước. Anh cảm nhận thế nào về không khí này?
“Thời gian đầu vận hành Tủ sách Nhân ái, chúng tôi phải đi tìm người, thuyết phục họ để tặng sách, còn bây giờ rất nhiều người xếp hàng chờ đợi, nên lại phải chọn người, chọn chỗ để tặng. Ban đầu nhiều người thờ ơ, không quan tâm, nhưng sau tích cực ủng hộ vì thấy sách có ích lợi đối với chính con em và người dân của mình. Có những lãnh đạo địa phương bỏ tiền túi mua sách tặng cho Ngôi nhà Trí tuệ. Đó là sự thay đổi nhận thức rất lớn”.
Nguyễn Anh Tuấn
- Mặc dù văn hóa đọc của người Việt Nam nhìn chung đã được cải thiện đáng kể, nhưng thời điểm này, theo tôi, các sự kiện như Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vẫn rất cần thiết để tạo hiệu ứng xã hội, để mọi người nói về sách và việc đọc sách, để văn hóa đọc lan tỏa rộng rãi hơn, bền gốc chắc rễ trong cộng đồng. Chỉ có điều đừng để các hoạt động này trở nên hình thức.
- Anh có lạc quan với văn hóa đọc hiện nay không?
- Nhiều người quan ngại học sinh hiện nay không đọc sách, và chúng tôi tặng sách nhiều như thế thì có kiểm soát được việc đọc sách không. Chúng tôi chưa làm đánh giá tổng quan về mặt định lượng ở quy mô lớn nhưng qua báo cáo đánh giá tác động của Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ, các bảng khảo sát và chia sẻ hàng ngày của các em trên các Fanpage về những cuốn sách đã đọc, rồi hoạt động đóng kịch, kể truyện theo sách… tôi rất tin tưởng vào hiệu quả đọc sách của các em. Ở Nghi Xuân, Thạch Hà, Thanh Chương (Nghệ An) qua sổ theo dõi việc đọc sách, có những em đọc 80 - 120 cuốn/năm, cho thấy sức đọc rất lớn, thậm chí khát đọc, mặc dù số lượng sách trong thư viện ở Ngôi nhà Trí tuệ không ít.
Nhiều em chia sẻ nhờ đọc sách đã thay đổi thế giới quan, các em nhận ra việc học không phải cho ông bà, bố mẹ hay thầy cô, mà cho chính bản thân mình, từ đó các em tự tin, chủ động trong cuộc sống.
“Những cuốn sách hay phải đọc đi đọc lại”
- Anh có thường đọc sách không và anh thích đọc sách gì?
- Thú thực thời điểm này tôi không đọc thường xuyên như xưa, nhưng vẫn duy trì thói quen đọc sách gần như hàng đêm. Tốc độ đọc cũng chậm hơn, trước đây 2 - 3 đêm đọc hết một cuốn sách, bây giờ có khi cả tuần, thậm chí cả tháng đọc hết một cuốn, trừ cuốn nào cực hay thì mới đọc một lèo cho hết.
Có những cuốn tôi đọc đi đọc lại chứ không phải lúc nào cũng tìm sách mới. Có cuốn tôi đọc cách đây rất nhiều năm, đánh dấu xanh, đỏ vào những chỗ đáng chú ý, đến thời điểm nào đó gặp một tình huống trong cuộc sống nhớ đến tác phẩm đó có thể giúp mình giải quyết thì lại mở ra đọc lại những chỗ đã đánh dấu.
Tôi thích đọc sách về triết học, tôn giáo, lịch sử, xã hội học, chính trị. Về triết học, tôi thích đọc ví dụ như Trang Tử Nam Hoa kinh, Lão Tử Đạo đức kinh. Đó là những cuốn sách khá hay, tôi đọc mười mấy, hai chục năm về trước.
- Những cuốn này có gì đặc biệt mà sau mấy chục năm anh vẫn nhớ?
- Trong Trang Tử Nam Hoa kinh có phần Nội thiên, với hai chương rất quan trọng là Tiêu dao du và Tề vật luận. Tôi nghĩ một người bình thường chỉ cần đọc riêng hai chương đó thôi thì sẽ xử lý các vấn đề trong cuộc sống một cách cực kỳ nhẹ nhàng.
Tiêu dao du nói về tự do, Tề vật luận nói về sự bình đẳng, nhưng tự do và bình đẳng ở đây không theo cách hiểu thông thường. Chẳng hạn, cây hoa hồng sẽ nở ra hoa hồng, cây xoài sẽ trổ ra quả xoài, cây bưởi thì trổ ra quả bưởi... đó là bình đẳng. Tức là mỗi vật, mỗi người đều có thiên chức riêng, và hãy thực hiện thiên chức của mình. Bông hoa nở không phải vì ai đó khen nó, hoặc vì lợi ích của ai đó, mà hoàn toàn tự nhiên, đến mùa thì nở.
Những tư tưởng đó không phải ai hay lứa tuổi nào cũng hiểu hết được. 18 - 20 tuổi đọc ở lăng kính khác, 40 tuổi lại có cảm nhận khác và ở tuổi 60 - 70 hiểu nó một cách khác. Theo tôi, đó là những cuốn sách hay, tức là những cuốn sách cần phải đọc đi đọc lại, qua trải nghiệm cuộc sống, qua va vấp, thất bại... mỗi lần đọc lại hiểu ra điều gì đó mới mẻ, hoặc nhận ra lúc trước mình hiểu có phần chưa đúng.
Khai mở trí tuệ, chia sẻ tri thức
- Khi đọc được một cuốn sách hay, điều đầu tiên anh muốn làm là gì?
- Tất nhiên là đọc hết rồi, suy ngẫm xem học được điều gì và vận dụng vào cuộc sống cá nhân hay cho cộng đồng. Có những thứ mình không bao giờ học được trong nhà trường mà là qua sách vở. Cần mở rộng nhân sinh quan, vũ trụ quan, thế giới quan để đón nhận những luồng tư tưởng mới, những kiến thức, kỹ năng mới. Tôi rất thích từ trí tuệ là vì vậy. Đọc được một cuốn sách hay giúp khai mở trí tuệ, nâng tầm bản thân.
- Chứ không phải đọc được cuốn sách hay là phải chia sẻ, giới thiệu cho mọi người?
- Cái đó thì đương nhiên rồi. Có những cuốn đọc xong, tôi muốn bật dậy ngay để chia sẻ với những người tôi nghĩ là cần. Từ năm 1999, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, không có tiền để mua sách, mỗi khi đọc được cuốn sách hay, tôi thường mang đi photocopy để tặng cho bạn bè, thầy cô, có khi lên đến 100 bản. Bởi đọc thấy tâm đắc quá, tôi muốn nhiều người được đọc.
Đó cũng là lý do chúng tôi sáng lập và nhân rộng hai mô hình học tập cộng đồng là Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ, mong muốn đem lại cơ hội học tập cũng như đọc sách miễn phí, chất lượng cho người dân và trẻ em ở các vùng quê nghèo.
- Đọc sách vốn là hoạt động cá nhân, khi đặt trong hệ sinh thái, tạo ra những cộng đồng đọc sách có ý nghĩa như thế nào?
- Việc tạo ra các cộng đồng đọc sách sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn hơn, kích hoạt theo số lượng. Khi đọc được cuốn sách hay, các em chia sẻ với bạn bè trong lớp, trong trường, trong làng, làm cho bạn khác cũng thiết tha muốn đọc, học theo nhau, mượn sách của nhau. Ở nhà có cuốn sách hay đọc xong thì mang đến đóng góp vào tủ sách của trường, của lớp... Việc tốt mà được số đông ủng hộ thì sẽ ngày càng lan rộng.
- Xin cảm ơn anh!