Được thế giới bảo chứng
Trái ngược với sự bi quan của những nhà làm phim gạo cội khi cho rằng hoạt hình Việt Nam chỉ có thể sống lay lắt nhờ vào hỗ trợ của Nhà nước, nhiều nhà làm phim hoạt hình trẻ đến từ các công ty tư nhân tự tin nhìn về những cơ hội "vàng" của hoạt hình Việt Nam. Trong bối cảnh điện ảnh chuyển đổi hoàn toàn sang kỹ thuật số và thế giới bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, ngành phim hoạt hình, nhất là ở khu vực tư nhân ít được nhắc tới trong thực hiện chiến lược phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, mặc dù đã có sự thay đổi lớn, thậm chí đã từng bước xây dựng được uy tín trên thế giới.
"Muốn phát triển hoạt hình phải có tầm nhìn và đầu tiên phải đặt nó đúng vị trí rồi đánh giá xem nó quan trọng không, có đem lại lợi nhuận không? Tôi từng tiếp xúc với những doanh nghiệp chỉ có hơn chục người nhưng doanh thu hàng năm là vài chục triệu đô la. Vậy nên, hãy coi nó là ngành đóng góp bao nhiêu % GDP, đặt đúng chỗ, hoạch định chính sách hỗ trợ và xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng".
Nhà sáng lập và giám đốc điều hành Sconnect Việt Nam Tạ Mạnh Hoàng
Nhà sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio Lê Quỳnh Như từng khẳng định trình độ, kỹ năng, sức sáng tạo của họa sĩ hoạt hình Việt Nam có thể xếp ngang hàng với thế giới. Như DeeDee, kể từ khi ra đời năm 2017, đến nay đã có tiếng trong khu vực, là studio hoạt hình Việt Nam đầu tiên hợp tác với các studio hoạt hình hàng đầu thế giới như Shin-Ei Animation (studio của Nhật sản xuất series Doraemon, Shin - cậu bé bút chì), TMS Entertainment (studio của Nhật sản xuất series Conan - Thám tử lừng danh), Disney Animation...
"Sứ mệnh của DeeDee là đem phim và nghệ sĩ hoạt hình Việt Nam đến với thế giới bằng việc phát triển những dự án phim độc lập có dấu ấn văn hóa bản địa, chạm tới trái tim của khán giả trên toàn cầu. Không riêng DeeDee, tôi nhận thấy các họa sĩ Việt Nam đã được bảo chứng bởi nước ngoài, họ giỏi nghề, làm nghề với chất lượng ngang với các studio lớn trên thế giới. Có điều, họ đang quá đơn độc. Mọi người có thể chưa biết về tiềm lực của hoạt hình Việt Nam", Lê Quỳnh Như cho biết.
Được thế giới ghi nhận không chỉ có DeeDee Animation Studio. Loạt hoạt hình Wolfoo ra đời năm 2018 với hơn 2.700 tập phim được phát sóng trên nền tảng Youtube do Công ty Sconnect Việt Nam sản xuất. Từ phiên bản gốc tiếng Anh, series Wolfoo đã được dịch sang 17 ngôn ngữ khác nhau như Nhật, Trung, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Nga… Hay một công ty mới thành lập năm 2022 như Sun Wolf Animation Studio đã gây tiếng vang khi phim hoạt hình ngắn U linh tích ký: Bột thần kỳ - tập mở đầu của dự án dài hơi Hành trình nhân quả được công chiếu tại ITFS lần thứ 29 và SIFF lần thứ 48 - 2 liên hoan phim hoạt hình lâu đời và có tiếng, nằm trong danh sách các liên hoan phim đạt tiêu chuẩn của Oscar.
Muốn vươn xa nhưng phải đi một mình
Bước đầu gây dựng được tiếng tăm nhưng nếu nhìn lại, nguồn thu chính của các công ty làm phim hoạt hình tư nhân vẫn nằm ở phần gia công cho thế giới. Sản xuất phim hoạt hình dài tập chiếu rạp hay muốn quảng bá ra thế giới khó khăn bởi không được hưởng những chính sách ưu đãi cần thiết.
Nhà sáng lập và Giám đốc Công ty Colory Animation Đoàn Trần Anh Tuấn giãi bày: "Gần đây, khi tôi gặp đối tác phía Malaysia, họ hỏi: Chính phủ có hỗ trợ gì không? Tôi im lặng. Ở nước ngoài, như các bạn Malaysia chia sẻ, họ nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các tổ chức Chính phủ, từ ưu đãi thuế, hỗ trợ truyền thông, liên kết, hợp tác quốc tế... Từ đó, họ có rất nhiều phim hoạt hình đi ra thế giới, nổi tiếng ngay ở Việt Nam như Upin & Ipin, Bola Kampung, BoboiBoy…”.
"Chúng tôi, những nhà làm phim hoạt hình trẻ, không muốn chỉ làm những bộ phim mang màu sắc nước ngoài, mà là những bộ phim chất lượng xuất phát từ văn hóa Việt. Nhưng vấn đề lớn nhất là đơn vị làm phim tư nhân, nhân lực quy tụ được song đường băng để thúc đẩy phát triển rất hạn chế". Chia sẻ như vậy, CEO của Freaky Motion Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, bên cạnh chính sách hoàn thuế, thứ mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hoạt hình mong muốn được hỗ trợ là các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.
Hiện tại, phần lớn doanh nghiệp hoạt hình đi tham dự liên hoan phim hay hội chợ quốc tế liên quan đều là tự phát. Theo đại diện DeeDee Lê Quỳnh Như, ở hội chợ nước ngoài có nhiều gian hàng của các quốc gia được chính phủ nước họ kết nối, hỗ trợ quảng bá thương hiệu, sản phẩm cho đối tác quốc tế thấy được tiềm năng quốc gia ở lĩnh vực này. Còn nhà sáng lập Sun Wolf Animation Studio Đinh Kiều Anh Tuấn chỉ ra thực tế, sự quan tâm, quảng bá về hoạt hình Việt gần như bằng 0. Doanh nghiệp phải tự mình dò đường cộng tác với bên ngoài, ngay cả kết nối của các doanh nghiệp hoạt hình trong nước với nhau cũng hạn chế.
"Không phủ nhận chúng ta có nhiều người làm hoạt hình cực giỏi, đang cộng tác với nhiều studio nổi tiếng thế giới nhưng người Việt Nam còn không biết tới huống chi việc quảng bá đội ngũ đó ra nước ngoài. Chúng ta thiếu nhiều thứ, nhưng trước hết là cần lắm những sự kiện quảng bá xúc tiến với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ hay các tổ chức của Chính phủ có thể là đại diện trung gian", Đinh Kiều Anh Tuấn nhận định.