Nhiều lợi ích của marketing online
Những năm gần đây, ngành du lịch toàn cầu đã chuyển mình mạnh mẽ nhờ tác động của công nghệ số. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, năm 2023, hơn 70% khách du lịch toàn cầu tìm kiếm và đặt dịch vụ du lịch trực tuyến, và tỷ lệ này dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh thời gian tới. Tại Việt Nam, việc ứng dụng các giải pháp số, từ tiếp thị trực tuyến đến vận hành quản lý thông minh, đang trở thành nhân tố cốt lõi giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, tăng sức cạnh tranh và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài chỉ ra nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp lữ hành nhỏ và siêu nhỏ trong tiếp thị trực tuyến (marketting online). Đó là: ông chủ không biết công nghệ và chưa quan tâm đến tiếp thị số; không có đội ngũ nhân sự phụ trách tiếp thị trên internet; nguồn lực tài chính dành cho marketing online hạn chế; chưa có khả năng tổng hợp và phân tích dữ liệu, chỉ “săn bắn” mà không chịu “trồng trọt”; khó kết nối và đồng bộ các kênh marketing.
Theo ông Tài, việc làm marketing online sẽ mang lại nhiều lợi ích như: giúp tiếp cận khách hàng rộng hơn, duy trì chăm sóc khách hàng và tái tiếp thị; xóa bỏ khoảng cách doanh nghiệp lớn và nhỏ; hiệu quả lâu dài bền vững; không cần nhiều chi phí; đo lường chính xác các điều chỉnh linh hoạt.
Ông Tài cho biết, hiện nay các loại hình tiếp thị trực tuyến phổ biến gồm: tiếp thị trên mạng xã hội (Social network Marketing); tối ưu hóa website và từ khóa (SEO); quảng cáo trả tiền (PPC - Pay per click); tiếp thị nội dung (Content marketing); tiếp thị qua email (Email marketing); tiếp thị qua người ảnh hưởng (Influencer marketing). Mỗi loại hình lại có ưu, nhược điểm riêng. Đơn cử, tiếp thị trên mạng xã hội giúp tiếp cận chính xác đối tượng mục tiêu, hình thức sinh động và hấp dẫn, tương tác tức thì, chi phí linh hoạt, đo lường và đánh giá hiệu quả dễ dàng. Tuy nhiên, loại hình này lại có chi phí cao khi sử dụng, đòi hỏi nội dung sáng tạo, yêu cầu quản lý và trực page liên tục, hiệu quả ngắn hạn. Hay quảng cáo trả tiền giúp tiếp cận đúng đối tượng mong muốn, kết quả tức thì, hiệu quả trang đích, nghiệm thu và đo lường dễ dàng. Nhưng chi phí rất cao khi phải đấu giá, nguy cơ mất tiền do click ảo, yêu cầu có kỹ thuật chuyên môn…
Những ứng dụng công nghệ hữu hiệu
Giới thiệu phần mềm và hướng dẫn sử dụng hiệu quả phần mềm trong kinh doanh và điều hành du lịch, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Trưởng ban Kinh doanh VIVAS, đơn vị thành viên thuộc VNPT Technology và là đơn vị nghiên cứu, phát triển phần mềm quản lý kinh doanh du lịch lữ hành - Travelopia cho biết, với sứ mệnh tạo nên các giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí và nâng cao trải nghiệm khách hàng, VIVAS tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay, như cung cấp giải pháp quản trị nội bộ Travelopia, giải pháp WiFi Marketing-ConnectX, SMS Brandname và Gamification...
Trong đó, Travelopia - giải pháp quản trị nội bộ cho doanh nghiệp lữ hành là sản phẩm chủ lực của VIVAS dành cho ngành du lịch. Với giao diện trực quan, dễ sử dụng và các tính năng đa dạng, đáp ứng đầy đủ 2 nhóm tính năng của một công cụ quản lý kinh doanh du lịch lữ hành là nghiệp vụ thương mại và nghiệp vụ du lịch.
Travelopia giúp doanh nghiệp quản lý toàn bộ quy trình kinh doanh một cách hiệu quả, từ khâu lên kế hoạch tour, quản lý khách hàng, đặt dịch vụ, đến thanh toán và chăm sóc khách hàng sau chuyến đi. Nhờ đó các doanh nghiệp lữ hành có thể nắm bắt chính xác dữ liệu khách hàng, quản lý hiệu quả nguồn nhân lực và dịch vụ, từ đó giảm thiểu sai sót và chi phí.
Đặc biệt, giải pháp này phù hợp với các doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn, resort… nhờ một số kịch bản như khảo sát ý kiến khách hàng ngay sau khi dùng bữa; quảng cáo, khuyến mãi, bán chéo các thương hiệu trong cùng hệ thống giúp tăng trải nghiệm của khách hàng, tăng tỷ lệ khách hàng quay lại, gắn bó với thương hiệu hơn.
Ông Nguyễn Trường Giang tin tưởng, “với những công cụ số hóa được tùy chỉnh và thiết kế riêng cho ngành du lịch, VIVAS sẽ góp phần giúp doanh nghiệp lữ hành phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số”.
Về kinh nghiệm thực tế ứng dụng công nghệ trong vận hành doanh nghiệp tại Công ty du lịch BestPrice - Top 10 thương hiệu nổi tiếng Việt Nam, Top 10 đại lý du lịch có lượng booking lớn nhất, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing BestPrice cho hay, doanh nghiệp này hiện có các văn phòng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phnompenh (Campuchia), Bangkok (Thái Lan) và Luang Phrabang (Lào), Australia và Mỹ; 200 nhân sự; mỗi năm phục vụ trên 1.000.000 lượt khách hàng.
Có thành công này là nhờ doanh nghiệp “xây dựng hệ thống online cho khách hàng đồng bộ, bài bản nhằm theo dõi các chỉ số để tối ưu; có đội R&D (research and development: nghiên cứu và phát triển) nhằm phát triển, cải tiến sản phẩm, dịch vụ, công nghệ. Cùng với đó, hệ thống online giúp đội ngũ bán hàng hiệu quả hơn, kế toán dòng tiền, báo cáo, xử lý tức thời dữ liệu và quản trị khách hàng tốt hơn”.
Theo ông Tú, những phương cách quảng cáo truyền thông đạt hiệu quả cao của BestPrice là với Google, SEO, Facebook, Tiktok, cùng quy trình đào tạo của doanh nghiệp. Nhờ đó, tỷ lệ khách hàng hài lòng với BestPrice trên các nền tảng du lịch như Tripadvisor - cộng đồng du lịch lớn nhất thế giới; Trustpilot - nền tảng đánh giá trực tuyến uy tín trên thế giới; Google my business - nền tảng quảng bá doanh nghiệp cho phép khách hàng đánh giá trực tiếp; và Facebook, đều đạt 4,9/5 điểm.
Đặc biệt, trang web BestPrice.vn của doanh nghiệp với nhiều tính năng vượt trội như: nguồn sản phẩm đa dạng gồm cả vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch, vé vui chơi... tra cứu dễ dàng, hỗ trợ đến cùng khi có phát sinh, bảo đảm thương hiệu cho đại lý, cùng hệ thống B2B tiện ích, các đối tác khi tham gia còn được hỗ trợ đào tạo sản phẩm, marketing…