Cuốn sách do hai tác giả Phạm Long và Trần Hậu Yên Thế đồng chủ biên (NXB Đại học Sư phạm ấn hành) là công trình có giá trị tư liệu cho thấy bức tranh về sự vận động và thay đổi mang tính bước ngoặt nền nghệ thuật lẫn giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Công trình góp phần khảo cứu, cung cấp thông tin lưu trữ sử học, báo chí nhằm làm sáng tỏ thêm sự ra đời, hình thành, phát triển của Trường Mỹ thuật Đông Dương (hay còn gọi là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), đặc biệt là xu hướng mở rộng giáo dục nghệ thuật cho các nghệ nhân, thợ cả.
Bên cạnh tầng lớp thợ vẽ thuần túy thủ công và cổ truyền, là sự ra đời của họa sĩ, với sáng tạo nghệ thuật mang tính chất cá nhân cao, là sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa nghệ thuật Việt Nam và giáo dục nghệ thuật mang tinh thần khai phóng của phương Tây.
Đồng thời, cuốn sách làm rõ những đóng góp hoặc ảnh hưởng của Trường Mỹ thuật Đông Dương đối với sự tiến bộ của toàn thể xã hội Việt Nam với nhiều lĩnh vực khác nhau trong nửa đầu thế kỷ XX và kéo dài tới ngày hôm nay, như học giả Đào Duy Anh đã nhận định trong Việt Nam văn hóa sử cương (1938): “…Trong nghệ thuật sử nước ta, Trường ấy (tức Trường Mỹ thuật Đông Dương) có cái địa vị rất trọng yếu là làm trung tâm cho một cuộc cải tạo lớn”.
Tác phẩm cũng đề cập tới một số nhân vật có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phục hưng nền nghệ thuật lẫn thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Nó cũng phản ánh tính mở đường, tiên phong, thử nghiệm, không ngừng cải tiến, cải tổ để phù hợp với hoàn cảnh và thời thế thay vì cứng nhắc, bảo thủ, đặc biệt đề cao yếu tố bản địa, dân tộc.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS. Phạm Long, đồng chủ biên công trình: Lịch sử giáo dục nghệ thuật nói chung và lịch sử giáo dục nghệ thuật thị giác nói riêng ở Việt Nam thực sự bắt đầu từ thời Pháp thuộc. Giáo dục nghệ thuật thị giác trên bình diện phổ thông và chuyên nghiệp đã được người Pháp thiết kế trong chương trình giáo dục công… Cuốn sách đặt Trường Mỹ thuật Đông Dương trong tiến trình giáo dục nghệ thuật thị giác thời thuộc địa qua hệ thống nghị định, báo cáo và tư liệu cho thấy những cái nhìn cụ thể và toàn diện hơn về ngôi trường đặc biệt này.
Diễn giả Phạm Minh Quân, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật cho rằng, đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, nhưng công trình này mang đến những tư liệu làm thay đổi nhận thức về lịch sử nghệ thuật ở Việt Nam. Tác phẩm nhìn về Mỹ thuật Đông Dương như một giai đoạn đặc biệt, tạo ra bước chuyển mình của nghệ thuật Việt Nam. Trước kia nghệ thuật trung đại Việt Nam có nghệ sĩ tập thể, khuyết danh, biểu hiện rõ nhất trong điêu khắc, kiến trúc. Tuy nhiên, dưới sự giáo dục của hàn lâm phương Tây đã xuất hiện hội họa, điêu khắc và kiến trúc. Mỹ thuật Đông Dương còn được coi là di sản có giá trị đến hôm nay ở góc độ khai phóng trong giáo dục nghệ thuật…