Nỗ lực bảo lưu, phát huy truyền thống
Trong đời sống của người Mông, khèn là nhạc cụ không thể thiếu và là một phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào. Bởi vậy, kể từ khi thành lập (năm 2015), Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Mông, bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, Sơn La, đã tập hợp các nghệ nhân có đam mê, các thầy khèn, để gìn giữ tri thức nghệ thuật chế tác, sưu tầm các điệu múa khèn; động viên các nghệ nhân mở lớp tại thôn bản, vận động giới trẻ học khèn, từ đó giúp các em có ý thức giữ gìn bản sắc.
Ông Giàng A Páo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Mông cho biết: “hiện nay các nghệ nhân không còn nhiều, để giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, chúng tôi tập trung mở các lớp truyền dạy di sản. Từ năm 2015 đến nay đã mở được 5 lớp… Ban đầu, bà con trong bản cho rằng, muốn truyền dạy phải có quỹ, được đầu tư kinh phí. Chúng tôi tuyên truyền để mọi người hiểu trách nhiệm của mình là bảo vệ những gì cha ông để lại. Dù làm bằng bàn tay trắng, bằng lời nói với nhau, nhưng Câu lạc bộ vẫn mở được các lớp truyền dạy, thu hút nhiều người học. Hiện nay, nhiều học sinh cấp 2, 3 đã có đam mê với văn hóa dân tộc, được trao truyền và có thể thay thế nghệ nhân trong các nghi lễ, chương trình du lịch cộng đồng”.
Trong khi đó, huyện Tủa Chùa, Điện Biên, có 7 dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc đều có ít nhất một loại hình sử dụng tài nguyên văn hóa để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cho gia đình, dân tộc. Với dân tộc Mông, nghề thêu, dệt truyền thống từ lâu đã gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của phụ nữ, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo bà Vì Thị Ái, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thêu, dệt truyền thống xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, Câu lạc bộ đã thiết kế nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách như váy, áo, khăn quàng, túi đeo điện thọai, vòng cổ, vòng tay… Các thành viên nỗ lực mở rộng quy mô, đa dạng mẫu mã sản phẩm nhằm chinh phục khách hàng trong và ngoài nước, từ đó bảo tồn nghề và tăng thu nhập. Bên cạnh bảo tồn và phát huy nghề thêu, dệt truyền thống, Câu lạc bộ khuyến khích người dân, đặc biệt là các hội viên sưu tầm, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc…
Là người Dao, TS. Bàn Thị Quỳnh Giao, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ: nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc Dao và xu hướng sống xanh hiện nay, một số vùng miền núi phía Bắc có người Dao sinh sống như Sìn Hồ, Lai Châu; Nguyên Bình, Cao Bằng; Na Hang, Tuyên Quang… đã hướng đến du lịch xanh, đẩy mạnh khai thác hoạt động động du lịch gắn với văn hóa truyền thống và môi trường tự nhiên; bước đầu hình thành các sản phẩm du lịch khá phong phú, mang tính đặc thù của tộc người…
Phát huy vai trò của cộng đồng
53 dân tộc thiểu số cư trú ở khắp các vùng, miền trên cả nước đã tạo nên sự đa dạng và giàu có cho văn hóa Việt Nam. Mỗi dạng biểu đạt văn hóa của mỗi tộc người lại thuộc về và tạo ra một loại nguồn lực khác nhau. Chính điều đó củng cố tính đa dạng, phong phú của nguồn lực văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay; là nguồn tài nguyên nhân văn to lớn để thế hệ hôm nay có thể kế thừa, khai thác và phát huy phục vụ cho phát triển.
Nhiều năm gắn bó với văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, Ths. Cao Trung Vinh, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2018, Viện phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam triển khai dự án Di sản kết nối, nhằm khai thác di sản phát triển sinh kế cho cộng đồng. Dự án tập trung vào các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như sử dụng thổ cẩm, cồng chiêng, nhằm đưa một làng của Tây Nguyên thành làng du lịch cộng đồng. Khi làm việc, cộng đồng bày tỏ mong muốn phục dựng lễ hội cồng chiêng. Qua quá trình trao đổi, tư vấn, phối hợp giữa cán bộ dự án, chính quyền, cộng đồng, lễ hội cồng chiêng đã được cộng đồng tổ chức tại xã Kông Lơng Khơng, huyện K’bang, Gia Lai, từ đầu năm 2020.
Từ kinh nghiệm làm việc, Ths. Cao Trung Vinh cho rằng, cần khẳng định vai trò chủ thể là cộng đồng, trao quyền cho cộng đồng. Các thành viên của cộng đồng tham gia lập kế hoạch, thực hiện và quản lý các hoạt động du lịch trong cộng đồng của mình. Sự tham gia của cộng đồng vào công tác chuẩn bị, tổ chức và thực hiện các hoạt động du lịch được chú trọng. Các lợi ích kinh tế được chia đều; không chỉ cho công ty du lịch mà cả cho các thành viên cộng đồng.
Bên cạnh đó, di sản văn hóa không đứng yên, thay vì bảo tồn nguyên vẹn, cần có các giải pháp bảo tồn phát triển. Phát triển du lịch dựa trên di sản thành công sẽ khai thác một cách hiệu quả kiến thức và nguồn lực của cộng đồng địa phương để đạt được các kết quả trong du lịch, hạn chế rủi ro tác động đến di sản…
Bên cạnh ưu tiên đầu tư, chính sách đặc thù của Nhà nước, GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam góp ý, cần nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của đồng bào trong bảo tồn, sáng tạo các giá trị văn hóa mới, để bản thân người dân địa phương có thể biến di sản thành tài sản, biến các giá trị bản sắc thành sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển. Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa trong bối cảnh hiện nay cũng góp phần nâng cao nhận thức của các dân tộc thiểu số về tầm quan trọng của bản sắc văn hóa, từ đó giúp đồng bào củng cố ý thức giữ gìn, trao truyền văn hóa dân tộc.