Đa dạng sáng tạo từ di sản
Hà Nội với hơn 10 triệu dân và đón hàng chục triệu lượt khách du lịch mỗi năm (năm 2023 là 24 triệu lượt), là khách hàng khổng lồ, đầy tiềm năng cho lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, giải trí. Những chương trình văn hóa thu hút đông đảo công chúng gần đây cho thấy nhu cầu về "món ăn" tinh thần của thị trường này rất lớn.
Ngay cả những lĩnh vực khó thu hút khán giả như các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng đang hồi sinh. Gần đây, Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản phi vật thể Việt Nam (VICH) tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật đa dạng, tạo không gian để khán giả, đặc biệt là giới trẻ, có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm nghệ thuật dân tộc như hát xẩm, chèo... Dự án Di sản trong lòng phố, lấy nghệ thuật hát xẩm làm trọng tâm, hay chương trình Giáo dục di sản với chủ đề Giáo dục di sản nghệ thuật chèo… thu hút đông đảo khán giả trong và ngoài nước.
Giám đốc VICH Nguyễn Thị Lệ Quyên cho biết, từ năm 2023, Trung tâm đẩy mạnh các chương trình và sự kiện sử dụng chất liệu di sản, hướng đến nhiều đối tượng khán giả tại Hà Nội. Để khán giả bỏ tiền trải nghiệm nghệ thuật dân gian, VICH đã sáng tạo đưa chất liệu di sản thành sản phẩm công nghiệp văn hóa, với cách dẫn dắt câu chuyện, tương tác với khán giả và tạo cơ hội cho khán giả trải nghiệm.
Thành công của các chương trình như vậy cho thấy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống của công chúng ngày càng tăng. Không chỉ giới trẻ, mà cả người lớn tuổi cũng bị cuốn hút bởi hoạt động trải nghiệm độc đáo. Điều này chứng tỏ, nghệ thuật truyền thống không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho hiện tại và tương lai.
Ra đời năm 2016 và đến nay có 13 cửa hàng trên phố cổ Hà Nội, Tired City ghi dấu ấn bằng cách khai thác thẩm mỹ truyền thống từ văn hóa dân gian qua sự sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ. Cũng từ di sản, nhưng Tired City đã biến hóa và cập nhật góc nhìn nghệ thuật của người trẻ, thông qua việc cộng tác với hơn 300 nghệ sĩ, gần 1.000 artwork và dung dưỡng cộng đồng sáng tạo gần 100.000 người. Những tác phẩm nghệ thuật độc đáo in lên áo phông, túi vải, tranh... tạo ra những sản phẩm vừa mang tính thẩm mỹ, vừa có giá trị văn hóa, đáp ứng nhu cầu của khách hàng nội địa và lượng lớn khách du lịch.
Tại Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Đoài creative mang đến cơ hội trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo. Hàng tuần, nơi đây có các hoạt động trình diễn rối bóng, đưa khán giả trở về với lịch sử vùng đất cổ này, bên cạnh các workshop và hoạt động sáng tạo. Anh Khuất Văn Thắng, người xây dựng Đoài creative cho biết, nét đẹp làng quê nói chung, làng cổ Đường Lâm nói riêng, là một lợi thế để thu hút khách đến trải nghiệm. Bởi vậy anh đã cải tạo một ngôi nhà thành không gian đậm bản sắc văn hóa xứ Đoài. Sự ra đời của không gian văn hóa này hứa hẹn nhân lên cơ hội trải nghiệm văn hóa truyền thống làng cổ với nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật, khơi nguồn sáng tạo phong phú, đặc sắc trong tương lai…
Mở lối thu hút đầu tư vào công nghiệp văn hóa
Hà Nội, với bề dày lịch sử và văn hóa, vô cùng phong phú nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa. Hiện đã xuất hiện những nhà đầu tư tìm đến sản phẩm công nghiệp văn hóa. Chẳng hạn năm 2024, Phường Bách Nghệ ra đời tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, là nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làng nghề, tổ chức các sự kiện văn hóa, hoạt động tương tác, trải nghiệm giữa nghệ nhân với công chúng... Điều đặc biệt nhất của mô hình này là có sự tham gia của nhà đầu tư.
Anh Ngô Quý Đức, sáng lập Phường Bách Nghệ chia sẻ: "Mỗi khi xây dựng một chương trình hoạt động cụ thể, các nhà đầu tư đều tham gia định hướng chương trình. Và sau quá trình hoạt động tương tác, nếu phù hợp, các bên sẽ đi đến hợp tác để cho ra đời sản phẩm".
Tuy nhiên, anh Nguyễn Việt Nam, nhà sáng lập Tired City cho rằng: “Tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung là rất lớn. Tuy vậy, chúng ta chưa hình thành rõ nét về chuỗi giá trị và chưa có nhiều mô hình được cho là thành công nên chưa thu hút nhiều đầu tư".
Thực tế hiện nay vẫn hiếm doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Trong khi đó, những đơn vị quy mô nhỏ thường gặp khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn. Các chương trình đào tạo về quản lý, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo còn hạn chế. Chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo còn phân tán, chưa tạo thành hệ thống thống nhất và hiệu quả. Việc vi phạm bản quyền, sao chép trái phép vẫn diễn ra phổ biến, ảnh hưởng đến động lực sáng tạo của nghệ sĩ và doanh nghiệp. Thị trường tiêu dùng nhỏ và chưa ổn định, đặc biệt là với các sản phẩm có tính sáng tạo cao…
Bởi vậy, dù có nhiều câu chuyện thành công, nhưng để tồn tại và phát triển trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa không dễ dàng. Tồn tại được 5 hay 10 năm là một thử thách lớn, đòi hỏi không chỉ ý tưởng sáng tạo đột phá mà còn cả kiến thức kinh doanh vững vàng và sự hỗ trợ từ các chính sách.
Tháng 6.2024, tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với những quy định ưu đãi cho dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và các ngành công nghiệp văn hóa; quy định về hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa… Kỳ vọng sẽ sớm có những chính sách và hành động cụ thể để mở lối cho các đơn vị, cá nhân phát huy tiềm năng trong lĩnh vực này.