Tại cuộc làm việc, hai bên đã trao đổi về tình hình báo chí Việt Nam hiện nay, đặc biệt là việc thực hiện Luật Báo chí 2016, một số vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của báo chí trong bối cảnh hiện nay và đề xuất, kiến nghị liên quan.
Báo cáo tại cuộc làm việc, đại diện Báo Nhân dân khẳng định, tại thời điểm ban hành, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của Nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; đồng thời nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí…
Sau hơn 6 năm thực hiện, đã ghi nhận nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí. Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của Nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí. Thực tế này dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp.
Cụ thể, báo chí đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số và phát triển đa nền tảng. Trong đó, Luật Báo chí 2016 chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến ranh giới giữa “báo” và “tạp chí” trên internet hiện nay rất mong manh.
Sự phát triển của khoa học - công nghệ làm thay đổi các loại hình báo chí, không còn tách bạch các loại hình mà có sự chồng lấn. Đa nền tảng, đa phương tiện là yêu cầu bắt buộc với các cơ quan báo chí hiện nay, nhưng cơ chế, chính sách chưa tạo thuận lợi cho cơ quan báo chí chuyển đổi, cả về cơ chế quản lý và cơ chế tài chính…
Đặc biệt, kinh tế báo chí, theo Tổng biên tập Lê Quốc Minh, đang là vấn đề đau đầu của báo chí Việt Nam nói chung. Doanh thu từ phát hành báo in giảm khủng khiếp. Doanh thu từ quảng cáo cũng vậy. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chính trị chủ lực, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải bảo đảm đời sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Vì thế, cần đầu tư có trọng điểm, lựa chọn các cơ quan báo chí để đầu tư xứng đáng. Nghiên cứu luật hóa quy định về cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực để có cơ sở hỗ trợ, đặt hàng, giúp các cơ quan này thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Về hoạt động kinh doanh của cơ quan báo chí, đại diện Báo Nhân dân đề xuất, nên quy định theo hướng mở rộng hoạt động kinh doanh khác theo quy định pháp luật chứ không chỉ hạn chế các lĩnh vực như Luật Báo chí hiện hành để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí có nguồn thu phát triển hoạt động báo chí, cũng phù hợp việc xác định cơ quan báo chí là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. Có thể thí điểm các mô hình liên kết giữa cơ quan báo chí tự chủ tài chính với doanh nghiệp công nghệ số để tăng cường nguồn lực cho các cơ quan báo chí đáp ứng yêu cầu về tốc độ và tính linh hoạt của chuyển đổi số…
Trong bối cảnh việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội rất khó thực hiện như hiện nay, các ý kiến cũng đề nghị tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ để các cơ quan báo chí chính thống có đủ năng lực để cạnh tranh với các cơ quan truyền thông trên thị trường…
Ghi nhận các ý kiến trao đổi, kiến nghị tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Báo chí 2016 sắp tới sẽ xem xét định vị cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực để có cơ chế hỗ trợ tốt hơn. Cơ chế đặt hàng cũng phải theo hướng linh hoạt hơn để tạo chủ động cho các cơ quan báo chí, miễn là hoàn thành nhiệm vụ được giao...