Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến một số cơ quan, tổ chức liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật.
Trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, các cơ quan hữu quan đã xác định một số nguyên tắc làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý như: thể chế hóa quan điểm, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhất là về cải cách tư pháp và Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn; nghiên cứu để đưa vào dự thảo Luật những nội dung đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW.
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung tiếp thu, giải trình; góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật; nghe thành viên Chính phủ báo cáo làm rõ hơn một số nội dung của dự thảo Luật… Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã phát biểu kết luận về nội dung này.
+ Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với các cơ quan hữu quan nhằm rà soát công tác chuẩn bị tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Ban Thư ký Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan.
Theo chương trình Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày làm việc (ngày 18.3.2024) để tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao.
Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung chất vấn về: công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn về: công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chất vấn và trả lời chất vấn là công tác thường xuyên trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những năm gần đây, đối với các phiên chất vấn và trả lời chất vấn nói chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có sáng kiến tổ chức phiên họp trù bị để rà soát các công việc chuẩn bị nhằm tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đạt hiệu quả cao nhất.
Mục tiêu của phiên chất vấn và trả lời chất vấn là làm rõ thực trạng, đề ra giải pháp để các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình một cách tốt hơn. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, công tác điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn cần bám sát những nội dung đã đề ra; các Bộ trưởng chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí bám sát nội dung chất vấn, phản ánh khách quan, toàn diện, góp phần vào thành công chung của phiên chất vấn và trả lời chất vấn.