Tham dự có: Thường trực Ủy ban Pháp luật; Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Hoàng Văn Vịnh; đại diện các ban của HĐND tỉnh và thường trực HĐND các huyện; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nêu rõ, ngày 8.6.2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó phân công Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Cho biết Hà Giang là địa phương đầu tiên Đoàn công tác đến khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật mong muốn được lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của tỉnh trong việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trong thời gian vừa qua cũng như các ý kiến góp ý từ thực tiễn của các đối tượng liên quan về những giải pháp, kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đồng tình, nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Qua thực tiễn triển khai Luật cho thấy, một số quy định không còn phù hợp và phát sinh các vấn đề cần được nghiên cứu và luật hóa như: sự gắn kết hoạt động giám sát với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, giám sát chuyên đề...
Do đó, để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật thời gian qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thấy rằng, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là hết sức cần thiết.
Đối với HĐND tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh nêu rõ, qua hơn 8 năm thi hành luật, với sự nỗ lực và đổi mới hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoạt động giám sát của HĐND các cấp tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc giám sát được cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, quan tâm, đánh giá cao, góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử tại địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế nhất định. Do vậy, HĐND tỉnh Hà Giang cơ bản nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã góp ý nhiều nội dung để sửa đổi các điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND như: quy định chung; nguyên tắc của hoạt động giám sát; tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát; giám sát chuyên đề; đối tượng chất vấn; chuyển từ kiến nghị sau giám sát sang chất vấn; thực hiện điều hòa hoạt động giám sát của các cơ quan...
Một số ý kiến cũng đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn hình thức, trách nhiệm chuyển tải nội dung trả lời chất vấn đối với các trường hợp bị chất vấn mà không trả lời trực tiếp tại kỳ họp để bảo đảm tất cả cử tri, Nhân dân biết được nội dung trả lời chất vấn (trừ trường hợp có liên quan đến bí mật nhà nước). Bên cạnh đó, bổ sung quy định làm rõ về thẩm quyền quyết định thành lập đoàn giám sát và việc sử dụng con dấu của tổ đại biểu HĐND.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên ghi nhận các ý kiến góp ý trách nhiệm, tâm huyết, bám sát thực tiễn của các đại biểu đã góp phần làm rõ được nhiều nội dung, số liệu cần thiết phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Các thông tin, dữ liệu do các cơ quan, đơn vị cung cấp, trao đổi trong buổi làm việc sẽ được Đoàn khảo sát ghi nhận, tổng hợp đầy đủ và xây dựng thành Báo cáo phục vụ quá trình thẩm tra dự án luật.