Quy tắc vàng “Tả mà không kể”
Kịch bản tốt là một trong những yếu tố tiên quyết cho một bộ phim chất lượng. Thị trường điện ảnh Việt Nam đang ngày càng phát triển, luôn cần và chào đón những kịch bản hay để đầu tư sản xuất. Khóa học “Show don’t tell” dành cho các biên kịch trẻ ở Việt Nam, được trực tiếp giảng dạy bởi biên kịch, đạo diễn Kay Nguyễn, người đã có nhiều thành công trong làng điện ảnh. Các tác phẩm của cô đã đại diện cho Việt Nam ba lần liên tiếp dự tranh Oscars: "Cô Ba Sài Gòn" (2019), "Hai Phượng" (2020) và "Mắt Biếc" (2021)…

Tên khóa học được lấy cảm hứng từ quy tắc vàng trong kỹ năng viết kịch bản: “Tả mà không kể”. Đó là người viết chỉ phác họa cấu trúc cơ bản của bức tranh, phần còn lại do trí tưởng tượng của người đọc tô thêm màu sắc. Theo cách này, cùng với những ý tưởng phong phú, các góc nhìn đa dạng về cuộc sống, tâm trí bay bổng, cộng hưởng cùng văn hóa, khán giả dường như đặc biệt đóng góp vào nội dung câu chuyện.
Vậy làm thế nào để bức tranh kịch bản đó đủ cuốn hút, dẫn khán giả đến thế giới riêng của họ? Biên kịch giống như người kể chuyện, là người tạo ra và bồi đắp toàn bộ câu chuyện trên phim, từ lựa chọn bối cảnh, xây dựng cá tính nhân vật, cho tới quyết định số phận của các tuyến nhân vật đó. Khi xem một bộ phim, là bạn đang thưởng thức tác phẩm của nhà biên kịch được đạo diễn “phổ” hình ảnh từ những con chữ trên kịch bản. Thực tế ở Việt Nam, nghề biên kịch đang được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn, có điều họ thiếu định hướng và sự trang bị những kỹ năng thực sự đáng giá.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft nhận định, xuất phát từ bối cảnh Việt Nam, những đơn vị tổ chức mong muốn thiết kế một khóa học “xây dựng câu chuyện”. “Câu chuyện ấy tràn đầy niềm đam mê và cảm hứng tích cực, với tư duy mới mẻ về kỹ thuật sáng tạo. Ở đây, nhà biên kịch sẽ được thoải mái là chính mình, kể về những điều lấp lánh, hay dũng cảm bày tỏ những khía cạnh thô ráp và không tròn trịa của cuộc sống, của xã hội”.
Vươn xa hơn lớp học
Dự án E-MOTIONS được UNESCO thực hiện trong vòng ba năm (2019 - 2022) nhằm nâng cao năng lực và trao quyền cho các nhà làm phim, cũng như tổ chức hoạt động gắn kết các nhà làm phim trong nước với các quốc gia khu vực. Bằng việc tập hợp các nhà làm phim, nhà hoạch định chính sách, công ty sản xuất phim, phương tiện truyền thông và các đối tác liên quan, dự án nắm bắt và phân tích nhu cầu, nguyện vọng trong việc định hướng tương lai ngành điện ảnh trong nước.

Là một điểm nhấn của dự án này, khóa học biên kịch “Show don’t tell” bắt đầu tuyển sinh từ ngày 2 - 21.2, dự kiến được tổ chức từ ngày 18 - 21.3, tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài 4 học phần chính để nắm bắt những kỹ năng, phương pháp tư duy làm phim, trong khóa học còn có chương trình talkshow với sự góp mặt của các nhà sản xuất và đạo diễn phim có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh, là cơ hội để các học viên giao lưu, đặt câu hỏi, lắng nghe trải nghiệm để lĩnh hội kiến thức, cũng như vạch ra định hướng rõ ràng về con đường dài của nghề biên kịch.
Nhà biên kịch, đạo diễn Kay Nguyễn cho biết: “Giáo trình giảng dạy sẽ được hiệu chỉnh dựa trên đầu vào có tuyển lựa kỹ theo hồ sơ của từng học viên, nhằm khuyến khích yếu tố năng động và nhiệt huyết, vẻ đẹp của mỗi người. Tôi kỳ vọng và tin tưởng đây sẽ là khoá học mà các học viên không chỉ thu lượm kiến thức, mà còn học hỏi được lẫn nhau, và kết nối được với nhau để thành một cộng đồng sáng tạo vươn xa hơn lớp học”.
Khóa học dành cho đối tượng là các bạn trẻ đang hoạt động chuyên nghiệp trong ngành sáng tạo, đã có kiến thức cơ bản về nghệ thuật/kỹ thuật kể chuyện, không nhất thiết là lĩnh vực điện ảnh. Trong đó, ưu tiên cho những người đã biết căn bản cấu trúc kịch bản hoặc biên kịch, biết sử dụng Celtx, từng ít nhất một lần viết kịch bản phim ngắn, phim dài. Ngoài thông tin cá nhân, mỗi người đăng ký phải gửi kèm câu chuyện tự sáng tạo trong giới hạn 1.000 chữ, theo đường dẫn: