Đó là nhận xét của TS. Lê Quang Vượng, giảng viên Trường Đại học Vinhtại tọa đàm "Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục", do Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT) tổ chức, ngày 20.5.
Giáo viên đạt mục tiêu kép
Việc học tập trên hệ thống trực tuyến (LMS) đã đạt được mục tiêu kép, vừa nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, vừa giúp giáo viên nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin.
Cô Lương Thị Hồng, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi, buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện EaKar (Đắk Lắk) cho biết: Tự bồi dưỡng trên hệ thống LMS giúp tôi và đồng nghiệp nâng cao năng lực tổ chức dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, năng lực tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh.
Trình độ công nghệ thông tin trong thời gian tự bồi dưỡng các mô đun trên LMS cũng tiến bộ rõ rệt. Thời gian đầu còn chưa biết cách vào được hệ thống, làm bài tập và cập nhật bài tập lên LMS, đến nay, tôi đã thao tác trơn tru mà không cần trợ giúp của đồng nghiệp dạy môn Tin học.
"Hiện, tôi có thể tự tin sử dụng công nghệ thông tin và làm các video để dạy trực tuyến thành thạo; tham gia vào các cộng đồng học tập", cô Hoàng Phương Thủy, giáo viên cốt cán Trường Tiểu học Hàm Rồng (Thanh Hóa) nói.
Thầy Trang Minh Thiên, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) chia sẻ: "Sau khi tham gia bồi dưỡng, tôi mạnh dạn thay đổi phương pháp dạy học, trao quyền chủ động cho học sinh hình thành các sản phẩm, khiến các em hứng thú hơn trong việc học; thành lập câu lạc bộ để học sinh tham gia và chia sẻ, lan tỏa tới học sinh khác. Ứng dụng công nghệ thông tin, học sinh linh hoạt hơn khi tham gia học tập, qua đó các em phát huy được nhiều năng lực bản thân".
Công nghệ thông tin giúp tăng cường năng lực gắn kết
Với mô hình bồi dưỡng mới, các giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục trực tiếp tham gia bồi dưỡng đội ngũ cốt cán cũng như hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phát triển năng lực nghề nghiệp trên LMS, đồng thời hỗ trợ giáo viên trực tuyến qua email, zalo...
TS. Lê Quang Vượng, giảng viên Trường Đại học Vinh chia sẻ: Qua các chuyên đề bồi dưỡng, giảng viên đã tích lũy được nhiều năng lực, như năng lực nhận biết về bối cảnh, giúp hiểu sâu Chương trình giáo dục phổ thông 2018; năng lực triển khai các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá các hoạt động dạy mạch lạc.
Đặc biệt, trong đợt Covid-19 vừa qua, giảng viên tham gia biên soạn, chuẩn bị các bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin và tổ chức các lớp bồi dưỡng đội ngũ cốt cán trực tuyến qua lớp học ảo. Nhờ đó, hoạt động hỗ trợ người học được tổ chức thường xuyên, linh hoạt. Điều này tác động tích cực và lâu dài đối với tiến trình đào tạo giáo viên cũng như công tác hỗ trợ, bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý giáo dục.
TS. Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cũng khẳng định, nhờ LMS, hoạt động hỗ trợ giáo viên phát triển nghề nghiệp đã vận hành đồng bộ và liên kết được với từng giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Hơn thế, việc sử dụng LMS đã giúp giáo viên và giảng viên sư phạm nhìn từ hai phía người dạy và người tham gia học tập… Từ đó, giảng viên sư phạm tăng cường năng lực gắn kết, thể hiện vai trò dẫn dắt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hiện, 60/63 Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên hệ thống học tập trực tuyến (LMS). Đến thời điểm này, 30.127 giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán hoàn thành 6 mô đun bồi dưỡng, đạt 105.3% so với thỏa thuận thực hiện Chương trình. Đội ngũ cốt cán đã hỗ trợ cho hơn 500.000 giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành 5 mô đun bồi dưỡng, trong đó có trên 96% số lượng người học trên LMS hài lòng với chương trình bồi dưỡng, phương thức bồi dưỡng có sử dụng công nghệ thông tin.