Ngóng chờ "chốt" phương án thi mới
Năm học 2025 - 2026 là năm học đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo dự thảo quy chế tuyển sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến, nếu áp dụng phương án thi, thì môn Toán và Ngữ văn là cố định, môn thứ ba (hoặc bài thi tổ hợp) do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn, công bố trước ngày 31.3 hàng năm.
Tuy nhiên, việc Bộ GD-ĐT chưa thông qua dự thảo cũng khiến các Sở GD-ĐT bị động, học sinh, phụ huynh lo lắng.
Cũng như các địa phương khác, hiện tại, thành phố Hà Nội chưa có phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026. Chị Nguyễn Thị Dung, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho biết, vì chưa biết phương án thi ra sao nên gia đình bà vẫn động viên con học tất cả các môn có thể thi. Tuy nhiên, cách học như vậy khiến con áp lực, vất vả, nhưng nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, đến gần ngày thi sẽ rất khó để bù đắp kiến thức. “Năm nay là lứa đầu tiên tốt nghiệp trung học cơ sở theo chương trình mới, Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo cần sớm có thông tin chính thức để giảm áp lực cho các con ”, chị Dung nói.
Ngoài lo ngại về thời gian công bố môn thi thứ 3 thì việc môn thi thứ 3 có thể là bài thi tổ hợp cũng khiến học sinh và phụ huynh băn khoăn. Chị Minh An (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất lo ngại nếu năm nay Sở GD-ĐT chọn môn thi thứ 3 là môn thi tổ hợp vì sẽ là tích hợp của 2 - 3 mạch nội dung, tương đương 2 - 3 môn học. Cả tôi và con đều mong muốn công bố môn thi thứ 3 sớm để chủ động kế hoạch ôn tập, vì kỳ thi này có ý nghĩa rất quan trọng, mức độ cạnh tranh vào công lập ở Hà Nội rất cao”, chị An bày tỏ.
Sẵn sàng đáp ứng khi “chốt” phương án
Năm học 2025 - 2026 là năm học đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thời điểm này, số lượng môn thi của kỳ thi chưa được công bố. Tuy nhiên, nhằm giúp các nhà trường, học sinh chủ động chuẩn bị cho kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa của 7 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Tin học, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân.
Nội dung đề thi minh họa có sự tăng cường hợp lý một số yếu tố liên quan đến ứng dụng thực tiễn nhằm từng bước tiệm cận định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học.
Trong đề thi còn có sự xuất hiện của 2 môn học tích hợp là: Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006), Lịch sử và Địa lý. Ở đề thi Khoa học tự nhiên, kiến thức sẽ dàn trải ở cả 3 môn học với 40 câu hỏi. Môn Lịch sử và Địa lý cũng có 40 câu hỏi. Cấp độ tư duy của các câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng.
Để bắt nhịp với cấu trúc đề thi của chương trình giáo dục phổ thông mới, Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tổ chức thi giữa kỳ theo hình thức tập trung (trộn lớp, đánh số báo danh) với các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Khoa học tự nhiên. Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh Nguyễn Quốc Bình cho biết, so với năm học trước, năm nay, trường bổ sung môn Khoa học tự nhiên.
Ngoài thi giữa kỳ, hàng tháng nhà trường đều có bài kiểm tra khảo sát chất lượng 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh với học sinh khối 9 để có phương án bồi dưỡng kiến thức phù hợp với từng học sinh. Đồng thời, rèn cho học sinh tâm lý vững vàng khi bước vào phòng thi.
Giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý Trường THCS Khánh Thượng (Ba Vì, Hà Nội) Đào Thị Hoa cho biết, căn cứ đề thi minh họa lớp 10 năm học 2025 - 2026 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành, nhà trường đã triển khai đến các tổ chuyên môn và giáo viên, trong đó nhấn mạnh những điều chỉnh, bổ sung các dạng thức trắc nghiệm. Song song với đó là xây dựng thư viện số về đề kiểm tra, chia sẻ với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để cùng trao đổi, học tập, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá, khảo sát.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Vân Hồng cũng cho biết, với 2 môn chắc chắn nằm trong danh sách các môn thi vào lớp 10 là toán và ngữ văn, học sinh được học, ôn tập như thường lệ. Riêng với môn thứ ba, hiện chưa biết là môn độc lập hay bài tổ hợp, nhà trường tổ chức dạy học đầy đủ, nghiêm túc và tăng cường các hình thức kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của chương trình mới, sẵn sàng đáp ứng khi “chốt” phương án.
Mặc dù luôn sẵn sàng đáp ứng khi Sở GD-ĐT “chốt” phương án nhưng nhiều ý kiến cho rằng, lựa chọn bài thi tổ hợp năm nay sẽ gặp một số khó khăn. Đầu tiên là xây dựng đề thi bảo đảm kiến thức của nhiều môn học được kết hợp hài hòa, không quá nặng nề nhưng vẫn đủ sâu sắc. Bên cạnh đó, việc tổ chức ôn tập cho học sinh cũng là một thách thức, bởi giáo viên các môn phải phối hợp với nhau để hỗ trợ học sinh hiệu quả nhất. Ngoài ra, nhà trường cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cả cơ sở vật chất lẫn nhân sự để bảo đảm kỳ thi diễn ra suôn sẻ.
Theo thầy Lưu Văn Thông, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng (Hà Nội), việc chọn bài thi tổ hợp cần cân nhắc kỹ. Bởi dù thi theo tổ hợp môn không mới, nhưng nếu chọn lựa là môn thi tốt nghiệp trung học cơ sở thì các nhà trường cần có hướng dẫn cụ thể để điều chỉnh phương pháp, cũng như xây dựng ngân hàng câu hỏi ôn thi cho học sinh.
Đồng thời, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) Lê Đức Thuận cũng đề xuất, cần có thêm thời gian thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của bài thi tổ hợp. Đồng thời, cần có chương trình đào tạo bổ sung cho giáo viên về phương pháp giảng dạy và ôn tập theo hình thức thi tổ hợp. “Chúng tôi cũng đề xuất xem xét thêm các biện pháp giảm tải chương trình học để học sinh có thể tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả hơn”, ông Thuận nói.