Dự Lễ Tuyên dương có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Uỷ viên dự khuyến Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Quang Huy; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh và 68 thầy cô giáo là đại biểu của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.
Phát biểu tại Lễ Tuyên dương, Bí Thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương chia sẻ, đây là lần thứ 8 Chương trình được tổ chức. Hội đồng Bình chọn đã làm việc nghiêm túc, khách quan để lựa chọn ra 68 thầy, cô tiêu biểu nhất. Trong đó, có những thầy, cô dành trọn quá trình công tác của mình gắn bó cho sự nghiệp trồng người và bám trường, bám bản, tiếp tục miệt mài, tận tụy, không ngừng cố gắng để mang con chữ tới cho các em học sinh.
Có những thầy cô giáo dù tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng đã có những nỗ lực vượt bậc để hoàn thành nhiệm vụ, đạt thành tích cao trong công tác. Nhiều giáo viên có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế. Đây là niềm động lực to lớn, cổ vũ mạnh mẽ với các thầy, cô khi công sức, tình yêu nghề dành cho các em học sinh đã được đền đáp xứng đáng.
Nhiều thầy, cô đã và đang vượt qua hoàn cảnh, khắc phục khó khăn để bám trụ gieo con chữ ở những khu vực khó khăn nhất. Cũng có thầy, cô đã từ bỏ những con đường bằng phẳng để đến với những khu vực xa xôi - những nơi mà cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhà bếp chỉ được quây bằng những tấm phên tạm bợ, trẻ không có nước sạch để dùng,… Càng trân trọng hơn khi có rất nhiều thầy, cô có thành tích xuất sắc là người đồng bào dân tộc thiểu số, như Khmer, Mông, Mường, Thái, Tày, Nùng, Pa-cô, Raglay… Họ đang cùng ngành giáo dục cả nước tiếp tục sự nghiệp cao cả - sự nghiệp trồng người, tương lai của đất nước.
Nói về ước mơ và những khó khăn của giáo viên, học sinh vùng cao, thầy giáo Mua Mí Lầu (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) chia sẻ: "Là người dân tộc Mông tôi thấu hiểu những khó khăn của học trò. Năm 10 tuổi tôi mới được đến trường học lớp 1. Đã có những lúc tôi tưởng mình sẽ gục ngã và phải bỏ học ngang chừng vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, nhưng nhận được sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo tôi đã vững vàng bước tiếp trên con đường học tập. Đó cũng là động lực thôi thúc tôi trở về bản làng dạy học cho các em học sinh dân tộc thiểu số, đúng như ước mơ của mình. Tôi xin cảm ơn các thầy, cô giáo”, thầy Lầu xúc động chia sẻ.
“Các thầy, cô giáo bằng tất cả sự tận tụy, tâm huyết đã không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh, mà còn dạy các em làm người, và hơn nữa còn là những tấm gương tiêu biểu để cho các em noi theo, nhân lên những điều tốt đẹp của cuộc sống. Những chiếc bảng đen, những viên phấn trắng vừa là trí tuệ, vừa là tình yêu thương, là đức độ của người thầy. Những bài học làm người quý giá luôn được các em học sinh khắc cốt ghi tâm, là hành trang các em mang theo suốt cả cuộc đời”, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương nhận định.
Bí Thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương kỳ vọng, Chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này sẽ góp phần cổ vũ, động viên các thầy giáo, cô giáo, giúp các thầy cô có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua mọi khó khăn thử thách, không ngừng tìm tòi sáng tạo những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất, đóng góp vào sự phát triển đất nước, tạo nên thế hệ những người Việt Nam sẽ hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường.
Tại Chương trình, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng 68 thầy, cô giáo nêu trên. Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã gặp mặt, động viên Đoàn đại biểu “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022.
Các thầy, cô giáo cũng đã tham gia nhiều hoạt động như vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tham gia Tọa đàm “Chia sẻ cùng thầy cô”.