Lễ hội chùa Bái Đính đánh dấu khởi đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận, vinh danh là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á với cả hai tiêu chí văn hóa và thiên nhiên.
Lễ hội chùa Bái Đính khai mạc sáng mùng 6 tháng Giêng, thu hút hàng nghìn đạo hữu và du khách tham gia. Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã gióng trống, thỉnh chuông khai hội. Các chức sắc tôn giáo, tăng, ni, Phật tử, du khách thập phương thực hiện nghi lễ dâng lục cúng, dâng hương bạch Phật... cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, thế giới hòa bình, người dân ấm no, hạnh phúc.
Ngoài những hoạt động tôn giáo, tại lễ khai hội chùa Bái Đính còn có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và giải trí. Các sự kiện nghệ thuật truyền thống như múa rối, hát chầu văn, và các tiết mục biểu diễn nghệ thuật dân gian thường diễn ra tại khu vực xung quanh chùa.
Do Lễ khai hội chùa Hương (Hà Nội) năm 2024 diễn ra vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nên số lượng người hành hương về đất Phật Hương Sơn giảm so với ngày trước khi khai hội. Tại các tuyến đường dẫn vào khu di tích thông thoáng, sạch sẽ, tình trạng ách tắc giao thông cơ bản không xảy ra.
Lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024 có chủ đề "Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện" nhằm khẳng định giá trị văn hóa lễ hội chùa Hương và phát huy giá trị quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Hương Sơn, chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội.
Theo Ban tổ chức, từ ngày mùng 3 Tết đến nay, Khu di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn đã đón trên 10 vạn du khách, riêng ngày khai hội đón khoảng 4 vạn lượt khách.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, khai hội sáng mùng 6 tháng Giêng còn có Lễ hội Gióng đền Sóc, Lễ hội Cổ Loa.
Cũng sáng mùng 6 tháng Giêng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp với huyện Can Lộc tổ chức khai hội chùa Hương Tích, mở đầu cho năm du lịch Hà Tĩnh 2024. Đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh Hà Tĩnh; đồng thời góp phần lan tỏa vẻ đẹp, các giá trị văn hóa của ngôi chùa được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam”.
Tại lễ hội, ngoài các phần lễ, tế lễ, dâng hương chiêm bái cúng Phật và tham quan du ngoạn cảnh đẹp, du khách còn được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian, tham quan trưng bày các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.