Điều này thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ dành cho việc chăm sóc trẻ em gái và phụ nữ.
Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở nữ giới. Mỗi năm có 5.100 phụ nữ mắc và khoảng 2.500 chị em chết do ung thư cổ tử cung.
Tỷ lệ mắc mới của ung thư cổ tử cung tại nước ta là 13,6/100.000 phụ nữ. Con số này ở Hà Nội là 6,5/100.000, tại TPHCM là 26/100.000.
Nhiễm HPV là nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung. Trong đó type 16 và 18 rất phổ biến và gây ra >70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
Khi tiếp xúc với HPV, hệ thống miễn dịch của cơ thể thường ngăn chặn virus gây hại. Tuy nhiên, ở một tỷ lệ nhỏ, virus tồn tại trong nhiều năm, góp phần vào quá trình khiến một số tế bào cổ tử cung trở thành tế bào ung thư.
Ung thư cổ tử cung cũng là bệnh ung thư duy nhất có vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, chi phí tiêm vaccine hiện còn khá đắt, dao động 850.000 đồng đến 2.500.000 đồng cho 1 mũi tiêm. Giá dao động tùy vào loại vaccine, các dịch vụ kèm theo hoặc cơ sở y tế. Trong đó một người cần tiêm 2 hoặc 3 mũi.
Sắp tới vaccine này sẽ được tiêm miễn phí cho trẻ em gái. Trả lời tại Phiên đối thoại "Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới" trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Phụ nữ Việt Nam ngày 15/10 mới đây, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhân dân với nhiều chính sách được ban hành tập trung cho mục tiêu này. Trong đó có nhiều chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em gái.
Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội cũng đã rất quan tâm đến chính sách y tế dự phòng-dành ít nhất 30% chính sách về y tế cho lĩnh vực này và phòng bệnh vẫn là mục tiêu cần phải tập trung.
“Khi chúng ta thực hiện công tác phòng bệnh tốt thì những chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh điều trị sẽ rẻ hơn rất nhiều, đồng thời có giải pháp ngay từ đầu”, Quyền Bộ trưởng nói.
Cũng theo bà Lan, cách đây 2 tháng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 104/NQ-CP liên quan đến việc bổ sung tiêm chủng mở rộng và xác định từ năm 2026 sẽ có vaccine tiêm phòng ung thư cổ tử cung miễn phí cho trẻ em gái. Nguồn ngân sách để thực hiện việc này rất lớn, thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ dành cho việc chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái.
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương đã dành nguồn lực đầu tư nhiều hơn cho y tế dự phòng. Thời gian qua, chi hội phụ nữ các cấp cũng tập trung trong việc khám, sàng lọc ung thư cho phụ nữ.
Bên cạnh đó, bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ chi trả cho khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, chăm sóc thai sản định kỳ và sinh con. Để mở rộng hơn nữa phạm vi của BHYT, Chính phủ đang giao cho Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi luật BHYT để mở rộng hơn phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT, trong đó hướng tới sàng lọc bệnh, tăng cường đối tượng, mở rộng phạm vi.