Đánh giá đúng nhu cầu độc giả
Ứng dụng AI trong lĩnh vực truyền thông ngày càng phổ biến và mỗi ngày lại có thêm những công cụ mới. Các đại biểu tham dự tọa đàm “Ứng dụng AI trong truyền thông” do Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức mới đây khẳng định, sự phát triển của AI ảnh hưởng nhất định đến truyền thông.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus, đích đến của truyền thông là phải hiểu độc giả, khán giả của mình. Tuy nhiên, trước kia quá khó để làm được điều ấy, đặc biệt trong kỷ nguyên báo in; ngay cả truyền hình đo lường khán giả cũng phải mất vài tháng và khi có kết quả thì thực tế có thể đã thay đổi rất nhiều. Ngày nay nhờ công cụ AI có thể đánh giá khá chính xác độc giả, nhu cầu của họ chỉ trong thời gian ngắn.
“Chúng tôi từng phân tích phổ độc giả, để biết đích xác độc giả quan tâm điều gì. Từ đó, chúng tôi nhận ra rằng, bấy lâu nay, nhiều lúc báo chí đi sai hướng, khi quá quan tâm đến tin tức nóng. Ví dụ, chỉ một vụ đánh ghen ngoài đường có tới hàng trăm tờ báo tập trung đưa tin. Trong khi phân tích thì thấy độc giả ngày nay quan tâm đến nội dung rất rộng, như chữa lành hay nấu ăn… Có những ngày chúng tôi đăng tin nóng, lượt đọc chỉ khoảng vài nghìn, nhưng bài viết về cách làm món ăn, thời trang xuống phố… lên tới vài chục, vài trăm nghìn lượt đọc. Những bài viết này được độc giả thường xuyên tìm đọc, từ năm này qua năm khác”.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng, đã đến lúc báo chí nhìn nhận lại mối quan tâm của độc giả, không chỉ “cướp, giết, hiếp” mà còn là tin bài liên quan các lĩnh vực đời sống, những câu chuyện người tốt, việc tốt. Hiện nay chúng ta đánh giá tin tức không phải qua lượt xem, mà qua lượt tương tác, chia sẻ và cảm xúc của người dùng dành cho bài viết đó. Bởi vậy, có thể nói nói AI đang thay đổi báo chí, nhưng không phải theo hướng “bẻ lái”, mà đang điều chỉnh báo chí theo hướng tích cực và nhân văn hơn.
Tạo ra nội dung chất lượng cao
Ông Rishad Patel, đồng sáng lập Splice Media (Singapore) cho rằng, sự xuất hiện của công nghệ mới cho phép truyền thông tạo ra nhiều nội dung hơn, với giá rẻ hơn. Nhưng việc gia tăng sản lượng này nhiều khi không bảo đảm chất lượng và đáp ứng đúng nhu cầu của người dùng. Bởi vậy, thay vì tập trung tạo ra nhiều nội dung hơn, truyền thông nên tập trung tạo ra nội dung chất lượng cao, được con người xác minh và bảo đảm.
Nhận định về xu hướng công nghệ vị nhân sinh, sử dụng công cụ phục vụ tốt nhất cho nhu cầu con người ngày một gia tăng, ông Trần Vũ Nguyên, Chủ tịch AI Education nhận định, AI không ảnh hưởng mấy tới công việc của nhà báo, bởi nhà báo không chỉ cung cấp thông tin, mà ý kiến của họ hết sức quan trọng trong việc định hướng thông tin. Bên cạnh đó, cung cấp những gì không có ở internet là lợi thế lớn mà nhà báo có, bởi họ có nhiều mối quan hệ, kết nối các chuyên gia tốt nhất trong ngành… từ đó có các bài viết giải quyết được thắc mắc của độc giả. Nhà báo cũng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực, xây dựng cộng đồng đọc với nhóm quan tâm khác nhau, tạo ra tiến bộ xã hội. Đây cũng là điều mà AI không làm được.
Thực tế, AI có thể hỗ trợ báo chí trong các công việc như: thu thập dữ liệu, biên tập cơ bản... để nhà báo dành nhiều thời gian hơn cho những công việc sáng tạo và tạo ra tác phẩm có giá trị cao hơn; có thể giúp phát hiện thông tin sai lệch; phân tích hành vi để cá nhân hóa, đáp ứng nhu cầu và sở thích đa dạng của người đọc; giúp báo chí tương tác với người đọc một cách hiệu quả hơn... Theo ông Rishad Patel, AI là công cụ được cung cấp với chi phí rất thấp, và các cơ quan truyền thông nên biết cách sử dụng AI càng sớm càng tốt để tìm và giải quyết những nhu cầu của người dùng, từ đó phát triển.
Tuy nhiên, ông Đặng Hải Lộc, CEO & CTO tại AIV Group, lưu ý rằng, AI cũng có vấn đề “ảo giác”, đưa thông tin sai lệch, trong thời gian ngắn hạn chưa thể giải quyết. Và khi AI đang dần phổ cập thì điều này càng nghiêm trọng, tin giả tin xấu độc ngày càng khó kiểm soát. Khi các nhà báo sử dụng AI, để bảo đảm tính chân thực thì cần ghi rõ hình ảnh, bài báo do AI tạo ra…
Kết hợp sức mạnh của con người và AI
“Báo chí đã bỏ lỡ chuyến tàu công nghệ 4.0. Đó là lý do chúng ta thua các mạng xã hội xuyên biên giới. Do đó, nếu báo chí sợ hãi, chậm chân lần nữa, có thể bỏ lỡ chuyến tàu AI. Hiện nay, các ứng dụng AI có sai sót ban đầu, nhưng sẽ ngày càng được hoàn thiện” - ông Nguyễn Hoàng Nhật nói.
Việc ứng dụng AI trong truyền thông tại Việt Nam đã và đang diễn ra, nhưng theo hướng tự phát. Một số tòa soạn có nhu cầu ứng dụng AI để nâng cao hiệu suất sản xuất thông tin và giải phóng sức lao động ở một số khâu, từ đó phóng viên có điều kiện sản xuất các sản phẩm chất lượng cao hơn. Trong kỷ nguyên con người và AI làm việc chung, vai trò con người trong các khâu cuối cùng vẫn chiếm vị trí then chốt. Dù vậy, cũng có một số đơn vị còn khó khăn trong triển khai ứng dụng AI, do thiếu hiểu biết, thiếu kinh phí. Bên cạnh đó, việc chưa có khuôn khổ pháp lý trong việc ứng dụng AI vào lĩnh vực truyền thông cũng là vấn đề cần giải quyết…
Có thể thấy, AI mang lại lợi ích nhiều hơn là lấy đi cơ hội phát triển của truyền thông. Cơ quan báo chí nếu biết tận dụng công nghệ này có thể vượt lên, đáp ứng nhu cầu của độc giả, khán giả, đa dạng hóa nguồn thu. Và để tận dụng được những lợi ích này, người làm nghề cần chủ động học hỏi và thích nghi. Bằng cách kết hợp sức mạnh của con người và AI, báo chí, truyền thông có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin và kiến thức cho xã hội.