Truyền thông là yếu tố hàng đầu
Bản chất công tác DS - KHHGĐ là một cuộc vận động và để vận động có kết quả tốt phải tập trung cho công tác truyền thông. Truyền thông là yếu tố hàng đầu góp phần quan trọng vào sự thành công của công tác dân số.
Từ nhận thức đó, trong những năm qua, các hoạt động truyền thông được ngành dân số đẩy mạnh. Tổng đài “Vì chất lượng cuộc sống” tư vấn về DS - KHHGĐ, sức khỏe sinh sản từng bước được củng cố, quảng bá và kiện toàn. Qua thời gian hoạt động thực tiễn cho thấy khách hàng ngày càng tăng và khẳng định đây là một kênh thông tin truyền thông hiệu quả, có chất lượng thu hút được đông đảo người dân quan tâm, hưởng ứng, đặc biệt là đội ngũ thanh thiếu niên và đối tượng trong độ tuổi sinh sản.
Nguồn: ITN |
Bên cạnh đó, để hoạt động truyền thông đạt hiệu quả cao, trong những năm qua, Tổng cục DS -KHHGĐ đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động tăng cường công tác DS - KHHGĐ với 10 bộ, ngành, đoàn thể bao gồm: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Bộ GD - ĐT, Bộ VH, TT và DL, Hội KHHGĐ Việt Nam.
Đặc biệt, Tổng cục DS - KHHGĐ đã phối hợp với nhiều cơ quan báo chí xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục về công tác DS - KHHGĐ. Ở cấp cơ sở, ngành dân số đã thông qua hệ thống đài truyền thanh các huyện, xã, phổ biến, cập nhật nhiều nội dung truyền thông quan trọng. Theo đó, những chủ trương, chính sách pháp luật, những vấn đề nóng trong công tác DS - KHHGĐ được chuyển tải đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Đánh giá vai trò của báo chí trong công tác truyền thông DS - KHHGĐ, tại cuộc gặp gỡ với các phóng viên đầu năm 2014, Ts Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ đã nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn ý thức một cách sâu sắc rằng, công tác DS - KHHGĐ có thành công hay không là nhờ phần lớn vào việc tuyên truyền, giáo dục. Cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí và các nhà báo đã ủng hộ, giúp đỡ ngành dân số hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Tập trung truyền thông các vấn đề nóng
Một trong nhữäng sự kiện nổi bật năm 2013 là dân số Việt Nam tròn 90 triệu người vào ngày 1.11. Bên cạnh những thuận lợi, những cơ hội mới khi dân số đạt 90 triệu người, thì công tác dân số cũng đang phải đối mặt với những thách thức như mức sinh còn sự khác nhau rất rõ rệt giữa các vùng, miền; tốc độ già hóa đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh - một vấn đề nóng nhất, khó nhất đối với công tác DS - KHHGĐ.
Từ thực tế đó, một trong những nội dung truyền thông được ngành Dân số nhấn mạnh hiện nay - đó là bước chuyển đổi thông điệp dân số: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 đến 2 con” trước đây sang thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên có 2 con”, nhằm duy trì một mức sinh hợp lý. Theo Tổng cục trưởng Dương Quốc Trọng, ý nghĩa của thông điệp này cực kỳ quan trọng, thể hiện sự chuyển hướng mang tính chiến lược đối với công tác DS - KHHGĐ. Bên cạnh đó, năm 2014 và những năm tiếp theo, công tác truyền thông DS - KHHGĐ sẽ tập trung vào các vấn đề “nóng” như già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, các vấn đề về nắm bắt cơ hội “dân số vàng” và đặc biệt là hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số.
Cùng với việc tập trung vào những vấn đề nóng, nhiều chuyên gia dân số cho rằng cần có sự đổi mới trong hoạt động truyền thông. Thực tế hiện nay, các thông điệp tuyên truyền vấn đề già hóa dân số ở nước ta mới chỉ chú ý về chăm sóc người cao tuổi, còn góc độ phát huy trí tuệ và tinh thần của người cao tuổi ở nước ta còn chưa được quan tâm. Một số nước trên thế giới và trong khu vực đã làm rất tốt việc sắp xếp, bố trí công việc phù hợp cho người cao tuổi để tận dụng được kinh nghiệm, kiến thức mà họ có thể đáp ứng được.
Hay như khi đưa ra các thông điệp về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, không chỉ nêu hệ quả là thừa nam, thiếu nữ, mà còn nhấn mạnh được hậu quả của việc nam giới không thể kết hôn sẽ dẫn đến tranh giành, cướp giật bạn tình, mua bán phụ nữ... Hoặc nữa, hiện số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta tiếp tục tăng, do đó việc tuyên truyền phòng tránh mang thai ngoài ý muốn rất cần thiết, trong đó cần chú trọng đến nhóm vị thành niên, thanh niên. Về việc nắm bắt, tận dụng cơ hội dân số vàng cần đưa ra các thông điệp: muốn cạnh tranh với các nước trong khu vực chiếm ưu thế thì phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cạnh tranh bằng lao động có trình độ, chất xám cao…
Bản chất của công tác DS - KHHGĐ là tuyên truyền, vận động. Do đó, theo các chuyên gia dân số, tuyên truyền để người dân hiểu đúng, hiểu đủ là pháp luật thì nội dung của truyền thông phải toát lên được mục đích, ý nghĩa, hệ lụy... Bên cạnh đó, tuyên truyền vận động phải gắn kết được với các giá trị về đạo đức xã hội để người dân hiểu, tự nguyện thực hiện chính sách DS - KHHGĐ gắn với quyền lợi và nghĩa vụ của họ đối với cộng đồng, đối với đất nước.