- Thưa Ông, có thể thấy, tỷ số giới tính khi sinh so với cùng kỳ năm 2013 đã tăng cao. Việc tăng cao như vậy sẽ có những hệ quả để gì?
PTCT Lê Cảnh Nhạc: Từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính đã gia tăng hàng năm. Nhìn ngược lại các con số, nếu năm 2010, tỷ số này là 111,2 bé trai/100 bé gái; năm 2011: 111,9/100; năm 2012: 112/100 thì năm 2013 đã lên tới 113,8/100. Sáu tháng đầu năm 2014, dù số sinh giảm nhưng chỉ giảm ở số trẻ em gái, còn trẻ em trai vẫn tăng. Do đó, tỷ số giới tính khi sinh vẫn chênh lệch mạnh, ước tính con số này đã vượt quá 114/100. Trong khi đó, Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản đề ra chỉ tiêu năm 2015, tỷ số này không vượt quá 113 bé trai/100 bé gái. Nếu tình trạng này ngày một gia tăng thì khả năng chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu là kìm hãm tốc độ tăng trưởng của tỷ số giới tính khi sinh.
Nguyên nhân của việc mất cân bằng giới tính là do tâm lý muốn có con trai nối dõi tông đường. Quan niệm "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ. Bên cạnh đó, những chuẩn mực xã hội mới như gia đình quy mô nhỏ, mỗi gia đình chỉ có 1- 2 con cũng tạo áp lực đối với các cặp vợ chồng bằng mọi cách phải có con trai. Ðể sinh ít con mà vẫn bảo đảm có con trai, các cặp vợ chồng không thể áp dụng quy luật dừng là sinh đến khi nào có con trai mới thôi, nên họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh.
Mặt khác, 70% dân số nước ta còn sống ở nông thôn, hầu hết không có lương hưu khi về già, rất cần sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm của xã hội, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai, vì thế họ sẽ cảm thấy bất an khi chưa có con trai. Mặc dù, chúng ta làm quyết liệt, mạnh mẽ, các phương tiện thông tin đại chúng đã vào cuộc nhưng dường như chừng đó vẫn chưa đủ sức mạnh để thay đổi tập quán, thói quen, hành vi thích sinh con trai của người dân. Chúng ta vẫn chưa ngăn chặn được tốc độ gia tăng mạnh mẽ của tỷ số giới tính khi sinh. Nếu trong thời gian tới, chúng ta không làm quyết liệt vấn đề này thì sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, khi các thế hệ trẻ em sinh ra hôm nay bước vào độ tuổi kết hôn. Một bộ phận nam giới có thể sẽ phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ không có khả năng kết hôn.
Hiện nay giải pháp tình thế hiện đang được một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc áp dụng là kết hôn với người nước ngoài. Giải pháp này đã cho thấy một số bất cập như tạo ra các luồng di cư quốc tế mới, các biến thái mới của nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái dưới hình thức hôn nhân, đám cưới giả, và trên hết là nảy sinh các xung đột quốc tế mới giữa các quốc gia xuất khẩu cô dâu và các quốc gia nhập khẩu cô dâu. Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ có thể phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao. Người ta quan ngại về sự bạo hành ở một xã hội khi có nhiều nam giới độc thân.
- Như vậy có thể nói mục tiêu về tỷ số giới tính khi sinh mà chúng ta đặt ra thì có thể là thất bại sớm không, thưa Ông?
PTCT Lê Cảnh Nhạc: Chúng ta cũng đã hy vọng đến 2015, tỷ số giới tính khi sinh phải được kiểm soát ở mức độ là dưới 113 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Nhưng hiện nay thì thực tế đó đã quá ngưỡng và chắc chắn chúng ta không đạt được mục tiêu đó, cũng như là mục tiêu dài hạn 2020 là dưới 115/100 cũng sẽ không đạt được. Đây là sự biến đổi về cơ cấu dân số về giới tính.
Bên cạnh đó là những biến đổi sức mạnh cơ cấu dân số về độ tuổi, Việt Nam là một trong 5 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế gới và nó vượt ra ngoài dự toán của chúng ta, vượt ra ngoài suy nghĩ chiến lược của chúng ta về ứng phó với tốc độ già hóa dân số. Nâng cao tuổi thọ cao của người dân là khát vọng của tất cả xã hội, tất cả các quốc gia.Tuy nhiên, làm sao để đáp ứng được yêu cầu của tốc độ già hóa ấy thì đấy là vấn đề hết sức quan trọng. Bởi điều kiện KT - XH của chúng ta chưa tốt, an sinh xã hội chưa cao, người già sống nhiều tuổi hơn, đồng nghĩa với đó là thời gian bị bệnh tật nhiều hơn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta chăm sóc người già cho tốt hơn, làm sao để có chế độ an sinh tốt hơn, để người già không phải sống dựa vào con cháu, không phải lấy đứa con trai của mình để mà làm bảo hiểm cho tuổi già mà được bảo đảm đảm về an sinh xã hội. Đây là điều mà chúng ta cần phải hướng tới, cần phải quan tâm ứng phó với tốc độ già hóa dân số ngày càng cao.
- Có ý kiến cho rằng, hiện nay, chất lượng dân số chưa cao. Vậy thưa Ông, nguyên nhân là do đâu?
PTCT Lê Cảnh Nhạc: Nói đến chất lượng dân số là đến chất lượng cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần. Trách nhiệm của ngành dân số chỉ ở phạm vi nâng cao chất lượng thể chất và hiện nay chúng tôi đã cố gắng để nâng cao thể chất về đầu đời còn chất lượng dân số về tinh thần, trí lực, thể chất thì thì cần phải có sự vào cuộc của toàn xã hội và các bộ, ngành. Đối với việc nâng cao chất lượng dân số đầu đời về thể lực, hiện nay ngành dân số đã triển khai các chương trình như là tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc bà mẹ mang thai, sàng lọc sơ sinh. Thông qua kiểm tra bào thai thì chúng ta sẽ biết được bào thai nó có mầm mống bệnh tật gì và sớm phát hiện ra điều đó để có những giải pháp chữa trị bệnh tật ngay từ trong bào thai.
Ngoài ra, tư vấn và khám sức khỏe cho nam, nữ tiền hôn nhân, đặc biệt là vị thành niên cũng sẽ giúp phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi kết hôn, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng giống nòi. Đã không ít trường hợp vì thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản mà tình cảm vợ chồng rạn nứt, kéo theo là suy giảm sức khỏe, tâm lý lâu dài, đe dọa hạnh phúc gia đình.
- Thưa Ông truyền thông về dân số là một trong hai nội dung quan trọng của công tác DS-KHHGĐ ?
PTCT Lê Cảnh Nhạc: Theo tôi truyền thông là yếu tố hàng đầu góp phần quan trọng vào sự thành công. Tuy nhiên, công tác truyền thông về DS-KHHGĐ thời gian qua chưa thực sự đi vào chiều sâu; mới tập trung vào các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các vùng đông dân và kinh tế phát triển; chưa quan tâm đầy đủ tới vùng sâu, vùng xa, nơi mà phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém và ngôn ngữ đa dạng; chưa chú ý thích đáng đến vị thành niên, nam giới, dân tộc ít người và các tôn giáo. Người cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản chưa được đặt đúng vị trí trong công tác truyền thông, vì thế họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tài liệu tư vấn về SKSS/KHHGĐ. Phần lớn khách hàng sử dụng dịch vụ SKSS chưa được tư vấn đầy đủ. Sự gắn kết một cách hữu cơ giữa truyền thông về KHHGĐ với các nội dung của SKSS, dân số-phát triển, giới và bình đẳng giới còn nhiều hạn chế, nhất là ở cơ sở.
Chiến lược truyền thông về DS- KHHGĐ cần hướng tới mục đích cuối cùng là tác động tới đối tượng để đối tượng tự nguyện chuyển đổi hành vi và hành vi được thực hiện sẽ duy trì xu thế giảm sinh vững chắc, cải thiện tình trạng SKSS và nâng cao chất lượng chăm sóc. Để giải quyết những vấn đề được này, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy sự phối hợp hoạt động của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong công tác truyền thông- giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, SKSS-KHHGĐ để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chương trình.
Ngành dân số sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông và tư vấn cho đội ngũ những người làm công tác truyền thông, những người cung cấp dịch vụ SKSS - KHHGĐ để họ phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, chương trình đạt hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, cần tìm ra các mô hình, giải pháp truyền thông phù hợp với từng địa phương để người cung cấp dịch vụ ngày càng phục vụ tốt hơn và người sử dụng ngày càng chủ động và tự nguyện sử dụng dịch vụ SKSS - KHHGĐ vì lợi ích của chính bản thân và gia đình họ.
- Xin cảm ơn Phó tổng cục trưởng!