Nhóm học viên tới từ Trường Đại học công nghệ Delft - trường đại học kỹ thuật lớn nhất và nổi tiếng nhất Hà Lan. Trong thời gian thực tập 3 tháng tại Việt Nam, các học viên chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm khoảng 5-6 học viên.
Ngoài ra, mỗi nhóm sẽ có 2 giảng viên hướng dẫn người Hà Lan và 2 giảng viên hướng dẫn người Việt Nam (đến từ Trường Đại học Thuỷ lợi). Các giảng viên sẽ cùng thảo luận, cùng học viên đi thực tế đến các địa điểm và cung cấp các số liệu cơ bản để học viên thực hiện dự án nghiên cứu.
Bốn đề tài nghiên cứu sẽ được các học viên Hà Lan triển khai gồm: Cửa sông có cảng cá và khu neo đậu miền Trung, Việt Nam; Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp thân thiện môi trường chống ngập lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long; Tương tác giữa cảng biển và rừng ngập mặn; Nghiên cứu công trình kiểm soát nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Trần Thanh Tùng, Phó trưởng Khoa Công trình, Trường Đại học Thuỷ lợi cho biết, Hà Lan là đất nước có thế mạnh nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực kỹ thuật biển. Trong khi đó, Việt Nam có đường bờ biển rất dài, có rất nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp cần phải nghiên cứu. Lực lượng sinh viên, học viên cao học tại Hà Lan mong muốn tiếp cận các vấn đề thực tế, các vấn đề khó, do đó đây là cơ hội để cả hai bên hợp tác với nhau.
Phía Hà Lan tích lũy được các kinh nghiệm thực tế trong quá trình giải quyết các bài toán của Việt Nam. Với phía Việt Nam, đây là cơ hội để tiếp cận với cách thức, hướng giải quyết mới của Hà Lan. Ngoài ra, đây cũng là dịp để sinh viên Khoa Công trình nói riêng, sinh viên Trường Đại học Thuỷ lợi nói chung giao lưu với sinh viên quốc tế, cùng trao đổi về chuyên môn, học hỏi lẫn nhau.
Theo PGS Tùng, các giảng viên nhà trường tham gia hướng dẫn nhóm học viên cao học Hà Lan đều là đội ngũ có năng lực rất tốt được đào tạo từ nước ngoài. Lần hợp tác này cũng giúp các thầy cô nâng cao hơn nữa về năng lực chuyên môn.
PGS Tùng bày tỏ hy vọng, các học viên Hà Lan sau thời gian nghiên cứu, thực hiện dự án sẽ có sự am hiểu nhất định về Việt Nam, để sau này quay trở lại thực hiện các dự án, nghiên cứu do phía Hà Lan đầu tư ở Việt Nam, do Chính phủ Hà Lan tài trợ.
“Nghiên cứu ban đầu của các học viên sẽ là những nền tảng, nền móng đầu tiên cho các nghiên cứu sau này”, PGS Tùng nói.
Hàng năm, Trường Đại học Thuỷ lợi đều có sự hợp tác, hướng dẫn rất nhiều nhóm sinh viên tới từ các quốc gia như Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch. Trong đó, sinh viên Hà Lan chiếm đa số bởi Trường Đại học Thuỷ lợi nhận được sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan trong suốt giai đoạn từ năm 2001.
Ngoài ra, nhà trường còn có mối quan hệ hợp tác nhiều năm với các trường đại học lớn tại Hà Lan, đặc biệt là Trường Đại học công nghệ Delft - trường đại học kỹ thuật lớn nhất và nổi tiếng nhất Hà Lan, trường có ngành kỹ thuật biển rất tiên tiến trên thế giới. Từ sự hợp tác này, Trường Đại học công nghệ Delft hàng năm đều cử sinh viên, học viên sang Trường Đại học Thuỷ lợi. Trong đó, năm 2023 là năm có số lượng học viên đông nhất sang hợp tác.
PGS Tùng chia sẻ, phía Hà Lan rất chú trọng việc tăng cường nghiên cứu liên ngành và đa ngành. Nhóm học viên sang Việt Nam thực tập, nghiên cứu đến từ nhiều lĩnh vực, ngành học khác nhau (như Kỹ thuật biển, Kỹ thuật thủy lợi, Giao thông, Kỹ thuật dân dụng, Môi trường) sẽ cùng giải quyết một bài toán thực tế. Mỗi em sẽ có một góc nhìn, quan điểm riêng và cùng thảo luận, trao đổi với nhau.
“Đây là điều tôi nghĩ rằng rất tốt, phản ánh tính liên ngành trong giải quyết các bài toán thực tế. Các thầy cô trong Trường Đại học Thuỷ lợi, các sinh viên cũng học hỏi được từ cách tiếp cận mới này của Hà Lan và dần thay đổi, hướng tới tính liên ngành nhiều hơn”, PGS Tùng cho hay.