Trường Đại học Phenikaa tham gia vào xếp hạng đối sánh lần đầu tiên năm 2020 và đạt thành tích 4 sao.
Đến nay, trường đã có những bứt phá và đạt được kết quả tổng thể ở mức 5 sao theo định hướng Đổi mới sáng tạo và ứng dụng, với 808.5/1.000 điểm (tăng hơn 200 điểm so với năm 2020).
Trong đó, 4/8 lĩnh vực (Định hướng chiến lược; Nghiên cứu khoa học; Đổi mới sáng tạo và Phục vụ cộng đồng cùng đạt 5 sao. Đồng thời, Chương trình đào tạo Kỹ sư Công nghệ vật liệu của trường đạt 5 sao theo định hướng Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, tại tiêu chuẩn Đổi mới sáng tạo điểm số của năm 2023 tăng gấp ba lần (từ 31.5 lên 83.5/100 điểm) so với năm 2020 cho thấy sự ghi nhận đối với việc chú trọng đầu tư của Trường Đại học Phenikaa vào mảng hoạt động này.
Phát biểu tại buổi lễ trao chứng nhận xếp hạng đối sánh UPM, GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, là một trong bốn trụ cột chính của Hệ sinh thái Phenikaa gồm Doanh nghiệp, Giáo dục, Chăm sóc sức khoẻ và Nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Phenikaa từng bước trở thành một cơ sở giáo dục đa ngành hàng đầu, đại học trải nghiệm - nơi môi trường đào tạo, nghiên cứu chuyên môn và sự tự do sáng tạo cá nhân đi đôi với nhau để tạo cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận đại học chất lượng cao.
Đồng thời, tạo ra bước đột phá trong khoa học - công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, kết nối chặt chẽ với nhu cầu phát triển của xã hội và mang lại giá trị mới cho cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Điều đó đã được thể hiện qua các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2020 - 2025 của Trường Đại học Phenikaa, đó là: Phát triển bền vững để trở thành đại học hoạt động không vì lợi nhuận; Đại học đổi mới sáng tạo, Đại học số - Thông minh; Đạt chuẩn kiểm định quốc tế năm 2025; Tỷ lệ nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đạt 25% tổng doanh thu của trường vào năm 2025; top 500 trường đại học tốt nhất châu Á.
"Trên chặng đường phát triển, nhà trường luôn đặt mục tiêu xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo lên hàng đầu, thông qua cải thiện chất lượng liên tục về mọi mặt. Trong đó, đảm bảo chất lượng và xếp hạng giáo dục được xem là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược của nhà trường, là bộ chỉ số xác định sự phát triển và chất lượng toàn diện", GS.TS Phạm Thành Huy cho hay.
Theo GS.TS Phạm Thành Huy, đối với các trường đại học nói chung, Trường Đại học Phenikaa nói riêng, việc tham gia kiểm định chất lượng và các bảng xếp hạng chính là một cách để tự đánh giá, tự nhìn ra các điểm cần cải thiện, những điểm mạnh của trường. Từ đó, trường liên tục cải tiến các hoạt động giảng dạy, đào tạo nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
“Trường Đại học Phenikaa muốn minh bạch hóa quá trình đào tạo. Đây cũng là một trách nhiệm của nhà trường trong công tác giải trình đối với cộng đồng xã hội về các hoạt động của mình, để làm sao các hoạt động của nhà trường, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng cao”, Hiệu trưởng Phạm Thành Huy nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT nhìn nhận, kết quả này xứng đáng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhà giáo Trường Đại học Phenikaa, cùng những chủ trương, định hướng, chiến lược phát triển của Tập đoàn Phenikaa đã đưa ra.
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng bày tỏ mong muốn, tập thể lãnh đạo nhà trường, tập thể sư phạm, các em sinh viên, học viên sẽ đồng hành cùng nhà trường để thực hiện sứ mệnh nhà trường đã đề ra: đến năm 2038 sẽ phát triển thành trường đại học trong top 100 trường đại học châu Á.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị tập thể sư phạm Trường Đại học Phenikaa tiếp tục nỗ lực cố gắng để ngày càng hoàn thiện hơn nữa, để Trường Đại học Phenikaa thực sự phát triển, đạt được sứ mệnh mong muốn.
University Performance Metrics (UPM) là hệ thống xếp hạng đại học do các chuyên gia Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển, dưới sự tài trợ của Chương trình Khoa học giáo dục cấp Quốc gia do Bộ GD-ĐT chủ trì.
Hiện nay, UPM được quản lý và vận hành bởi Viện Đổi mới sáng tạo UPM, trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. UPM đang có sự tham gia của hơn 100 cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đến từ 12 quốc gia: Việt Nam, Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ.
Ngày 21.11.2018, Thủ tướng Chính phủ có quyết định đổi tên Trường Đại học Thành Tây thành Trường Đại học Phenikaa. Trải qua 6 năm tái cấu trúc, xây dựng và phát triển, Trường Đại học Phenikaa đã bước vào chặng đường phát triển mới, với triết lý giáo dục, tầm nhìn mới và mô hình hoạt động theo định hướng đổi mới sáng tạo và trải nghiệm nhằm hiện thực hoá tiềm năng của mỗi cá nhân.
Những năm học vừa qua, nhà trường đã đạt được những kết quả và dấu ấn đáng ghi nhận.
Cụ thể, số lượng cán bộ, giảng viên từ trên 100 người năm 2018, đến nay đã có trên 1000 cán bộ, trong đó có 800 giảng viên, trong đó có 12% chức danh GS, PGS và 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Số lượng và chất lượng sinh viên tăng trưởng nhanh, từ 300 sinh viên nhập học năm học 2019-2020, đến năm học 2023-2024 toàn trường đã có tổng số 17.000 sinh viên.
Trường Đại học Phenikaa đạt mốc 2.000 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín ISI/Scopus (~50% Q1); Top 1 các trường đại học và viện nghiên cứu Việt Nam trong Bảng xếp hạng Nature index trong 4 năm liền; Đạt top 601 - 800 thế giới về chất lượng giáo dục (bảng xếp hạng The Impact Ranking 2023).
Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tập đoàn tăng dần qua hàng năm. Năm 2023, Trường Đại học Phenikaa chủ trì 4/7 Nhóm nghiên cứu mạnh do Quỹ NAFOSTED tài trợ.
Nhiều cán bộ giảng viên của trường tiếp tục được vinh danh trong danh sách các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng trên thế giới và Việt Nam, chủ nhân các giải thưởng khoa học và công nghệ cao quý như giải thưởng Quả cầu vàng, Giải thưởng của Hội Vật lý, top các nhà sáng chế năm 2022 (top 5).
Hoạt động Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh: Nhà trường đã phát triển mạng lưới đối tác với hơn 100 trường đại học trên thế giới, thành viên của 4 mạng lưới giáo dục đại học quốc tế, trên 30 chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, các nhà khoa học tại các Trường Đại học Canada, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, CHDCND Lào…
Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện nhiều dự án hợp tác quốc tế với các đối tác trong và ngoài nước, với nguồn kinh phí từ Liên hiệp châu Âu, Vương quốc Anh, Vương quốc Bỉ, UNESCO.