Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Nha Trang vừa thông báo phương hướng tuyển sinh đại học hệ chính quy từ năm 2025. Đây là năm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình GDPT 2018 thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học.
Theo đó, nhà trường tuyển sinh trên toàn quốc, xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập đại học. Cụ thể:
Kết quả học tập ở THPT: Với mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo của trường, thí sinh phải đã học ở THPT một số môn nhất định theo quy định của trường. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cần tối thiểu do trường công bố hàng năm.
Kết quả đánh giá năng lực học tập đại học: Với mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo của trường, thí sinh còn phải tham gia đánh giá năng lực học tập đại học. Đánh giá năng lực tập trung vào khả năng Toán (toán, suy luận logic và xử lý số liệu); Ngôn ngữ (bao gồm tiếng Việt và tiếng Anh); và Khoa học (giải quyết vấn đề). Riêng phần Khoa học, thí sinh được lựa chọn phạm vi tương ứng với môn học đã học ở THPT và phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của trường.
Theo phương hướng tuyển sinh được công bố nói trên của Trường Đại học Nha Trang, không có phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tối 12.12, trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nha Trang cho biết, tới thời điểm này, việc có hay không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào trường từ năm 2025 vẫn ở mức độ định hướng.
Phương án chính thức sẽ được nhà trường thông tin sau khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố định dạng, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2025.
“Nhà trường xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập đại học. Về kết quả đánh giá năng lực học tập đại học có nhiều yếu tố để xác định. Nếu định dạng, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2025 Bộ GD-ĐT công bố cũng tương đương với định hướng về kết quả đánh giá năng lực học tập đại học thì nhà trường vẫn sử dụng để xét tuyển.
Bởi vì hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa công bố định dạng, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2025 nên nói rằng nhà trường không dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển là chưa phản ánh đúng được phương thức của nhà trường”, TS Tô Văn Phương cho hay.
Trước đó, cuối tháng 11.2023, Bộ GD-ĐT đã công bố Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình GDPT 2018. Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết song song với việc chuẩn bị cho phương án thi từ năm 2025, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo từ rất sớm việc nghiên cứu cấu trúc, định dạng và ngân hàng đề thi.
“Chúng tôi đã tổ chức các hội thảo với những chuyên gia hàng đầu để thảo luận, nghiên cứu và đã trực tiếp bàn về những vấn đề cốt lõi nhất là thực hiện ra đề minh hoạ theo định dạng, cấu trúc của chương trình GDPT 2018 cho kỳ thi năm 2025”, ông Nguyễn Ngọc Hà thông tin.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, định dạng và cấu trúc của đề thi 2025 đáp ứng mục tiêu đánh giá năng lực, đáp ứng theo yêu cầu của chương trình mới và có tính kế thừa, vì học sinh thi năm 2025 là lứa học sinh đầu tiên của chương trình mới, các em chỉ có 3 năm để học chương trình 2018. Ngoài ra, định dạng đề thi sẽ cân đối giữa các môn, tránh được độ lệch điểm lớn giữa một số môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Danh mục môn học ở THPT và phạm vi đánh giá năng lực học tập của Trường ĐH Nha Trang như sau:
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã công bố lộ trình thi tốt nghiệp THPT trong những năm tiếp theo. Từ năm 2025, thí sinh thi tốt nghiệp THPT chỉ với 4 môn, điều này làm giảm các tổ hợp xét tuyển của thí sinh so với việc thi 6 môn. Ngoài ra, đề thi có thể cũng dễ hơn để phù hợp với xét tốt nghiệp.
Do vậy, các trường đại học đang tìm phương thức xét tuyển mới để thay thế việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.