Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nói lý do chưa thể coi Covid-19 như bệnh cúm mùa

Tiến sĩ Angela Pratt cho rằng, hiện nay, còn quá sớm để nói chúng ta dự đoán được cách thức hoạt động, biến đổi của Covid-19 trong tương lai. 

Ngày 5.5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu - mức báo động cao nhất theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa đại dịch Covid-19 đã chấm dứt.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã có những giải thích về tuyên bố mới nhất của WHO, cũng như đưa ra khuyến nghị các giải pháp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thời gian tới.

Có nên coi Covid-19 như bệnh cúm mùa?

Tiến sĩ Angela Pratt cho biết, việc WHO công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp về y tế gây quan ngại toàn cầu theo đề xuất của Ủy ban khẩn cấp của WHO, căn cứ vào một số lý do.

Thứ nhất, dựa trên tình hình dịch tễ học về xu hướng giảm trên toàn cầu trong thời gian gần đây về số ca tử vong, số ca nhập viện, đặc biệt là giảm số ca phải chăm sóc tích cực.

Hiện tại, phân tích dữ liệu của WHO cho thấy không có sự gia tăng mức độ nghiêm trọng về lây truyền dịch bệnh đối với các biến thể đang lưu hành. Đã 3,5 năm qua kể từ khi đại dịch bắt đầu, chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng cao nhờ tiêm vắc xin phòng Covid-19 và miễn dịch tự nhiên do số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng rất nhiều.

Thứ hai, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi những công cụ để ứng phó và phòng, chống Covid-19. Covid-19 không còn là sự kiện chưa từng có tiền lệ nữa, virus đã và đang tồn tại. Do đó, thay vì quản lý theo tình trạng khẩn cấp, cần chuyển hướng sang quản lý dài hạn và bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.

Tuy nhiên, bà Angela Pratt khẳng định, việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với Covid-19 không có nghĩa rằng đã chấm dứt đại dịch hoặc Covid-19 không còn là mối đe dọa trên toàn cầu hay ở Việt Nam. Một ví dụ có thể thấy rõ là sự gia tăng số mắc gần đây ở Việt Nam. Công bố này cũng không có nghĩa virus đã biến mất hay Covid-19 đã trở nên ít nguy hiểm hơn.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nói lý do chưa thể coi Covid-19 như bệnh cúm mùa -0
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam (Ảnh: Báo Chính phủ)

Trả lời câu hỏi “Có nên coi Covid-19 như bệnh cúm mùa?”, Tiến sĩ Angela Pratt đưa ra 3 luận điểm.

Theo đó, bà Angela Pratt đồng ý rằng có những điểm tương đồng giữa cúm mùa với bệnh Covid-19, đó là cả hai bệnh này đều do tác nhân gây bệnh đường hô hấp.

Tuy nhiên, từ tất cả các đợt bùng phát ở các quốc gia, chúng ta thấy rằng Covid-19 không theo mùa, trong khi cúm mùa thường xuất hiện vào mùa đông. Bên cạnh đó, Covid-19 vẫn là một căn bệnh còn rất mới.

Các nhà khoa học trên thế giới đã có hàng thập kỷ nghiên cứu về cúm mùa, từ các dữ liệu dịch tễ học; dự đoán được cách thức hoạt động, biến đổi của virus; virus ảnh hưởng khác nhau với nhóm dân số khác nhau như thế nào. Với Covid-19, chúng ta mới có hơn 3 năm nghiên cứu về dịch bệnh này.

“Như vậy, có thể nói rằng quá sớm để nói chúng ta có thể dự đoán được cách thức hoạt động, biến đổi của Covid-19 trong tương lai. Chính vì vậy, việc công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch không có nghĩa là Covid-19 đã kết thúc. Đây chỉ là một tín hiệu rằng chúng ta cần chuyển hướng sang quản lý bền vững Covid-19”, Tiến sĩ Angela Pratt nhấn mạnh.

Việt Nam nên nghĩ cách quản lý virus dài hạn, thay vì ứng phó khẩn cấp

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng chia sẻ, WHO đánh giá rất cao các biện pháp ứng phó của Việt Nam đối với đại dịch Covid-19, đặc biệt là ngay khi đại dịch vừa bùng phát. Ngay từ thời điểm đó, Việt Nam đã có sự điều chỉnh hợp lý trong cả các biện pháp y tế công cộng, cũng như các biện pháp xã hội khác để đảm bảo phòng, chống Covid-19 hiệu quả.

Các biện pháp này bao gồm: Năng lực rất mạnh mẽ về phát hiện và đáp ứng sớm; Năng lực giám sát tốt (điều này rất quan trọng trong việc ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới); Các biện pháp kiểm soát biên giới mạnh mẽ và giãn cách xã hội khi cần thiết; Cộng đồng tuân thủ tốt các biện pháp bảo vệ cá nhân (như đeo khẩu trang) cũng như tuân thủ giãn cách xã hội khi cần thiết.

Trên hết, Việt Nam có năng lực hệ thống y tế tốt, có khả năng tăng cường quy mô và chuẩn bị sẵn sàng cho sự gia tăng đột biến số ca mắc.

Bà Angela Pratt cho rằng, thông qua tất cả biện pháp này, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc giữ cho số lượng ca mắc và tỷ lệ tử vong tương đối thấp trong giai đoạn đầu của đại dịch đến khi có vắc xin.

Khi có vắc xin, Việt Nam đã xuất sắc thực hiện triển khai tiêm chủng. Tốc độ và quy mô của việc triển khai tiêm chủng rất ấn tượng, đặc biệt là nỗ lực đảm bảo vắc xin đến được với tất cả mọi người, ở mọi miền đất nước. Đây chính là một trong những câu chuyện thành công về ứng phó với Covid-19 của Việt Nam mà WHO thường nêu bật và lan tỏa.

“Chúng tôi đánh giá rất cao khả năng ứng phó với đại dịch của Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là bây giờ không phải là lúc để thư giãn và buông lỏng cảnh giác”, bà Angela Pratt nói.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nói lý do chưa thể coi Covid-19 như bệnh cúm mùa -0
Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Phân tích kỹ hơn, Tiến sĩ Angela Pratt cho hay trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang “quản lý bền vững” virus cách đây 18 tháng. Việt Nam nên nghĩ về cách quản lý virus dài hạn, thay vì ứng phó khẩn cấp.

“Bây giờ không phải là lúc để nới lỏng bất kỳ biện pháp chống dịch nào, đặc biệt là khi chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc bệnh, số ca nhập viện, số ca phải chăm sóc đặc biệt, mặc dù số ca tử vong cho đến nay không tăng đột biến. Đó là kết quả của việc đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng rất cao, cũng như những nỗ lực đáng kinh ngạc của các nhân viên y tế.

Điều quan trọng bây giờ là đảm bảo rằng chúng ta đã tiếp thu tất cả các bài học chống dịch trong 3,5 năm qua, tiếp tục áp dụng những bài học đó khi lên kế hoạch về việc quản lý Covid-19 lâu dài trong tương lai”, Tiến sĩ Angela Pratt nói.

7 giải pháp giúp Việt Nam phòng dịch Covid-19 thời gian tới

Tiến sĩ Angela Pratt cho biết WHO đã đưa ra 7 khuyến nghị cho các quốc gia trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian tới.

Thứ nhất, phải duy trì những thành tựu đã đạt được và những đầu tư đã thực hiện trong việc ứng phó với bệnh truyền nhiễm thông qua Covid-19, rút ra bài học trong 3,5 năm qua và áp dụng những điều đó vào cách ứng phó với Covid-19 trong tương lai, cũng như chuẩn bị cho mối đe dọa đến từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác.

“Vì vậy, thông điệp số một là chúng ta không được "nghỉ ngơi" vào lúc này, không được “rời chân khỏi bàn đạp” và không được mất cảnh giác, mà cần phát huy mọi thứ đã làm và học được trong vài năm qua”, bà Angela Pratt nhấn mạnh.

Thứ hai, cần suy nghĩ về việc tích hợp tiêm phòng Covid-19 vào các chương trình tiêm chủng thường quy, đảm bảo rằng mọi người được miễn dịch thông qua chương trình tiêm chủng thường xuyên.

Theo TS Angela Pratt, điều quan trọng đối với Việt Nam về tiêm chủng hiện nay là độ bao phủ của các liều nhắc lại. Việt Nam có độ bao phủ rất tốt đối với liều cơ bản, nhưng độ bao phủ của mũi nhắc lại thứ nhất và thứ hai lại không như mong đợi, đặc biệt khi hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng các ca nhiễm mới.

Vì vậy, cần đảm bảo rằng tất cả những người đủ điều kiện, người thuộc nhóm có nguy cơ cao đều được tiêm liều nhắc lại. Đây là ưu tiên quan trọng nhất hiện nay.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nói lý do chưa thể coi Covid-19 như bệnh cúm mùa -0
Việt Nam cần tăng độ bao phủ của các liều vắc xin nhắc lại

Thứ ba, về công tác giám sát, đã đến lúc tích hợp giám sát Covid-19 với giám sát các mầm bệnh đường hô hấp khác và tiếp tục báo cáo dữ liệu đó cho WHO.

Thứ tư, đảm bảo có nguồn cung cấp vắc xin tốt, chẩn đoán và điều trị tốt. Có nghĩa rằng, cần đảm bảo các công cụ cần thiết để chẩn đoán, các loại thuốc có sẵn để điều trị và các loại vắc xin để ngăn ngừa bệnh nặng, giảm khả năng tử vong.

“Tất cả những công cụ này đều được cung cấp ở Việt Nam và các quốc gia khác trong trường hợp khẩn cấp, vì vậy giờ là lúc xem xét khung pháp lý, chuỗi cung ứng để đảm bảo rằng chúng ta có nguồn cung cấp đáng tin cậy trong tương lai và những sản phẩm này có sẵn cho người dân.

Lý tưởng nhất là chúng vẫn được cung cấp miễn phí hoặc được trợ cấp phần lớn để đảm bảo chi phí không phải rào cản để tiếp cận những sản phẩm này”, bà Angela Pratt nói.

Thứ năm, tiếp tục gắn kết sự tham gia và truyền thông tới các cộng đồng. Một trong những đặc điểm chính giúp Việt Nam ứng phó thành công chính là cách cộng đồng có thể tham gia và sẵn sàng hỗ trợ các biện pháp y tế cộng đồng, xã hội khác nhau. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục làm việc này với cộng đồng để có thể quản lý Covid-19 thành công trong dài hạn.

Thứ sáu, về các biện pháp liên quan đến đi lại, Việt Nam thực chất đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế đi lại từ tháng 3 năm 2022 khi hướng tới quản lý bền vững Covid-19. Tuy nhiên, Tiến sĩ Angela Pratt cho rằng chúng ta cần tiếp tục rà soát và cập nhật, sẵn sàng kế hoạch đáp ứng quốc gia, nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch.

Thứ bảy, tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu về cả hiệu quả và hiệu suất của vắc xin, cũng như tình trạng hậu Covid-19 hay “Covid-19 kéo dài”.

“Trong bối cảnh tình hình hiện nay ở Việt Nam - giai đoạn mà các ca nhiễm đang có xu hướng gia tăng, chúng ta thực sự cần tiếp tục theo dõi sát sao, điều chỉnh các biện pháp ứng phó. Đặc biệt, cần giám sát chặt chẽ năng lực các cơ sở y tế để đảm bảo rằng các cơ sở và nhân viên y tế không bị quá tải”, Tiến sĩ Angela Pratt lưu ý.

Bà nhấn mạnh, WHO cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam, cụ thể là Bộ Y tế trong công cuộc phòng, chống, kiểm soát và quản lý lâu dài dịch bệnh Covid-19.

Sức khỏe

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi
Sức khỏe

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi

Trong lúc thực hiện phương pháp giác hơi để giảm bớt căng thẳng, bà T.T.T., 54 tuổi, ở Long An đã gặp phải sự cố bị cồn nóng đổ vào người. Cồn bắt lửa, bốc cháy, gây bỏng nặng vùng lưng và bụng.

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"
Sức khỏe

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị một trường hợp nguy kịch vì bệnh Whitmore. Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm, kết hợp với nền bệnh lý đái tháo đường không kiểm soát, đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!
Sức khỏe

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!

Sở Y tế Hà Tĩnh khẳng định những cơ sở thẩm mỹ Minh Tuyết, Mậm Spa, Trinh Tây Spa chưa được các cơ quan có chức năng cấp phép thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn. Các cơ sở thường thực hiện dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn lén lút, cảnh giác cao nên rất khó để xử lý, đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan.

Cô giáo tiểu học tìm hạnh phúc làm mẹ sau 7 năm hiếm muộn
Sống khỏe

Cô giáo tiểu học tìm hạnh phúc làm mẹ sau 7 năm hiếm muộn

Trên hành trình tìm con đơn độc của vợ chồng cô giáo Bùi Thị Giang (1988, quê Ninh Bình), chưa bao giờ họ muốn bỏ cuộc, cho dù đa số thời gian người chồng công tác xa, không thể chăm sóc động viên vợ mình. Nhưng chính sự yêu thương chân thành đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để giờ đây mái ấm nhỏ tràn ngập tiếng cười nói của 3 cô con gái đáng yêu.