Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Không phải là chuyện luật hay pháp lệnh quy định…
Đối với phí điều tiết điện lực, ở đây vấn đề không phải là ghi ở đâu, ghi ở luật này hay ở Pháp lệnh phí, lệ phí, nó là chuyện khác. Lần trước khi Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội đã thảo luận kỹ, tranh luận rất sôi nổi về chuyện này. Điều tiết điện lực là một chức năng quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương và cơ quan này giúp cho Bộ trưởng Bộ Công thương làm việc này cho nên đây không phải là một loại dịch vụ của Nhà nước cho dân để thu phí. Lần trước thống nhất là không thu, bây giờ nói là quy định ở đây hay quy định ở pháp lệnh là không phải chuyện đó.
Thứ hai, về quy định cơ quan quản lý điều tiết điện lực, tôi thống nhất trong tờ trình là cơ quan thuộc Chính phủ, sau này Chính phủ sẽ quy định theo thẩm quyền, không cần quy định trong luật.
Đối với nội dung phòng, chống thiên tai và môi trường có nên quy định vào trong luật này hay không? Ở quy hoạch điện lực có lập luận là vì vấn đề Luật Bảo vệ môi trường có nói rồi và dự thảo Luật Phòng, chống thiên tai cũng đã có quy định nội dung là kết hợp quản lý ngành để nói về chỗ này. Nhưng quan điểm của tôi, vấn đề quy hoạch điện lực gắn rất chặt đến vấn đề bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. Nếu như luật này quy định một yếu tố, không cần phải cụ thể nhưng có một điểm đó tôi cho là phải thật cần thiết và quan trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Để tránh độc quyền cần phải phân biệt rõ cái nào là dịch vụ, cái nào là nhà nước
Thứ nhất là vấn đề có quy định phí không, cần có điều tiết điện lực không, tôi thấy hiện nay vấn đề này Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng không rõ quan điểm cho nên cũng không nói rõ là như thế nào, chắc là cũng có cái khó. Bên Chính phủ trình ra là phí, tôi chỉ muốn Bộ trưởng và Ban soạn thảo trình bày rõ hơn. Phí là khoản tiền trả cho một dịch vụ, như vậy phải chứng minh được là trong điều tiết điện lực có nhiều khâu thì cũng có thể có những hoạt động thuộc về quản lý nhà nước đấy là lệ phí, nhưng có những hoạt động thực sự là dịch vụ thì quy định là phí. Như vậy ở đây phải chăng muốn tách như thế thì phải xem cho được những khâu nào là dịch vụ thì có thể quy định là phí. Nhưng tất cả mọi thứ đều là hoạt động quản lý nhà nước thì không thể coi là phí được. Tôi muốn Bộ trưởng thay mặt Ban soạn thảo trình rõ hơn chỗ ấy.
Theo tôi để tránh độc quyền cần phải phân biệt rõ cái nào là dịch vụ, cái nào là nhà nước chứ không nên cứ nhà nước cả và cái này một kinh nghiệm khi ta làm Luật Hàng không dân dụng Việt Nam là dịch vụ bay. Lúc đầu là để vào lệ phí hết và thu ngân sách. Sau đấy trong quá trình làm, QH yêu cầu tách ra hai loại, một loại lệ phí, một loại phí tức là phí bay qua bầu trời. Lần đấy chưa quy định thì làm sao thu được? Do đó cái này là cái phải nghiên cứu thêm, lập luận thêm để trình, mà nếu như tách được thì cũng rất hay. Hiện nay trong Luật điện lực thì không nên bàn, không nên quy định vấn đề này.
Vấn đề thứ hai là tôi tán thành với ý kiến của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường tôi đề nghị cần phải bổ sung chỗ này, trong quy hoạch này cho hoàn chỉnh hơn. Quy hoạch điện lực liên quan đến phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường rất nhiều.
Vấn đề thứ ba là cơ quan điều tiết điện lực, tôi cũng nhất trí như ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nhưng tôi thấy ở Điều 63, Khoản 2 vẫn quy định là giao cho Chính phủ quy định, theo tôi là không cần thiết. Vì khi đã xác định cơ quan này không phải là cơ quan độc lập nữa mà cơ quan này như một cục, vụ của Bộ Công thương thì đương nhiên là Chính phủ quy định theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ do đó cũng không cần quy định tại Khoản 2, Điều 63.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Cục Điều tiết điện lực cũng làm những công việc mang tính chất dịch vụ…
Về phí điều tiết điện lực chúng tôi xin được báo cáo giải trình thêm như sau. Hiện nay theo quy định Cục Điều tiết điện lực là một đơn vị nằm trong Bộ Công thương thực hiện các công việc có liên quan đến việc giám sát điều độ của hệ thống điện quốc gia; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề phát điện và giám sát quá trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh. Với tính chất là nằm trong Bộ Công thương và là cơ quan quản lý nhà nước thì không được thu phí, tuy nhiên do công việc cho nên ngoài hoạt động được ngân sách nhà nước phân bổ kinh phí như các cơ quan quản lý nhà nước khác thì Cục Điều tiết điện lực còn làm những công việc mang tính chất dịch vụ. Ví dụ, khi giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến phát điện thì đấy là cung cấp dịch vụ cho các bên có liên quan.
Thứ hai, giám sát quá trình phát điện cạnh tranh cũng có những hoạt động cần phải có liên hệ, điều chỉnh, kiểm tra, giám sát đối với cơ quan điều tiết điện lực và với các đơn vị phát điện đã đăng ký trên thị trường phát điện cạnh tranh. Đây là những dịch vụ mang tính dịch vụ công, phục vụ cho các hoạt động này và hướng tới có thể có một cơ quan điều tiết điện lực độc lập chứ không nằm trong Bộ Công thương. Chính vì vậy, chúng tôi xin được đề nghị với UBTVQH như trong Báo cáo về cơ quan điều tiết điện lực đặc biệt là về phí để tránh việc quy định quá nhiều trong Luật Điện lực. Chúng tôi đề nghị UBTVQH bổ sung phí này vào trong danh mục phí và lệ phí của Pháp lệnh Phí và lệ phí.
Xuất khẩu dừa và sản phẩm chế biến có thể đạt 1,2 tỷ USD
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu dừa và sản phẩm chế biến năm nay có thể đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15 - 20% so với năm 2023. Tuy tăng trưởng mạnh nhưng muốn bền vững, cần bảo đảm nguồn cung ổn định, chất lượng tốt và quan tâm xây dựng thương hiệu cho ngành dừa.