Trước đó, ngày 17.1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, thống nhất cho tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức đề án “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024”.
Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh; là cơ sở để điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hội nghị lần này nhằm công bố Quy hoạch tỉnh đến các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nội dung Quy hoạch tỉnh cũng thể hiện các quan điểm, mục tiêu phát triển, không gian phát triển và các đột phá phát triển cho tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ quy hoạch. Thể hiện tư duy sáng tạo, tầm nhìn mới để tận dụng các lợi thế so sánh, tìm kiếm không gian mới, cơ hội phát triển mới, tạo nên những giá trị riêng có và khác biệt cho tỉnh, phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng thông tin thêm, với quan điểm, mục tiêu là chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế; đồng thời, kết hợp nội lực với ngoại lực, phấn đấu một số ngành, lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu cả nước như: Công nghiệp ô tô, cơ khí, dược liệu. Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2030. Đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển đến năm 2030, có 5 nhóm mục tiêu về: kinh tế; văn hóa - xã hội; môi trường, sinh thái; kết cấu hạ tầng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, mục tiêu về kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD; mục tiêu về kết cấu hạ tầng, với đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F, Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT.
“Việc quy hoạch tỉnh Quảng Nam được lập với tinh thần đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch, dựa trên các tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh; phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm phát triển toàn diện, bền vững, gắn với giữ gìn cảnh quan, đa dạng sinh học, bảo tồn di sản; phát triển kinh tế hài hòa giữa đồng bằng - miền núi, đô thị - nông thôn, đồng thời, đổi mới sáng tạo, hướng đến tương lai”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay.
Về tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam được làm rõ qua mô hình cấu trúc: 2 vùng, 2 cụm động lực, 3 hành lang phát triển. Trong đó, mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai. Cấu trúc này đảm bảo sự phát triển cân bằng về mặt kinh tế - xã hội giữa vùng đông và vùng tây. Ngoài ra, hình thành các cụm động lực để hỗ trợ cho nhau, phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế.
Về chuỗi thông tin chuỗi sự kiện, hoạt động “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thủy Trinh nhấn mạnh, đây là sự kiện môi trường có ý nghĩa quan trọng, nhằm triển khai Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050, gắn với tham gia hưởng ứng thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021 - 2030 của Liên Hợp Quốc, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học diễn ra tại Montreal, Canada năm 2022.
Hoạt động “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024” nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng của thiên nhiên ban tặng; qua đó, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, sống hài hòa với thiên nhiên, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự kiện cũng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết, chia sẻ trách nhiệm trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái bằng các hành động cụ thể, thiết thực và phù hợp với thực tế từng địa phương. Từ đó, cụ thể hoá quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và có tính cân đối, hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế trong nội dung Quy hoạch tỉnh.