Kon Tum

Tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp

- Thứ Năm, 27/01/2022, 06:42 - Bản đầy đủ
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến đã tạo đột phá bước đầu trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo hướng hiện đại, bền vững. Tuy nhiên, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn yếu và thiếu; thu hút đầu tư chưa tương xứng, nhất là công nghiệp chế biến sau thu hoạch, chế biến sâu... Vì vậy, cần tiếp tục thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, ưu tiên doanh nghiệp chế biến; nâng cao hiệu quả quản lý trong liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất.

Đó là những nội dung nổi bật trong Báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Kon Tum về tình hình thực hiện Nghị quyết số 64/2016/NQ-HĐND ngày 19.8.2016 của HĐND tỉnh về Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Nghị quyết số 39/2017/NQ-HĐND ngày 11.12.2017 và Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 18.7.2019 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 64/2016/NQ-HĐND.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Kon Tum giám sát Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến
Ảnh: T. Hải

Hiệu quả thiết thực, nhưng một số mục tiêu chưa đạt

Theo ghi nhận của Đoàn giám sát HĐND tỉnh Kon Tum: Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án, một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao điển hình đã thể hiện rõ những ưu điểm và thế mạnh vượt trội so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Giá trị sản phẩm có bước tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 17,16% trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn, tạo đột phá bước đầu trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn theo hướng hiện đại, bền vững; thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư. 

Bên cạnh ghi nhận những kết quả tích cực bước đầu, Đoàn giám sát HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số mục tiêu, nhiệm vụ chưa đạt theo kế hoạch đề ra như: Hình thành ít nhất 3 khu, 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 3 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn yếu và thiếu; quy mô nhỏ lẻ, phân tán, hàm lượng công nghệ cao còn thấp nên năng suất chưa cao, sức cạnh tranh thấp. Riêng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen chưa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị như quy định tại Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25.12.2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là công nghiệp chế biến sau thu hoạch, chế biến sâu. Việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện, thành phố hầu hết chưa đáp ứng mục tiêu theo kế hoạch của UBND tỉnh đề ra. Các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong huy động vốn ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng cam kết đầu tư; vai trò của các hiệp hội chưa được phát huy. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện của các địa phương còn hình thức, chủ yếu thông qua báo cáo định kỳ.

Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp chế biến

Từ thực tế trên, để phát huy hiệu quả Đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh thực hiện và chỉ đạo một số nội dung. Cụ thể, sau khi có chủ trương của Tỉnh ủy, nghiên cứu, xây dựng Đề án về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ tính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành. Chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan xác định khó khăn, nguyên nhân và vai trò trách nhiệm đối với việc chưa thể cho thuê tài sản công tại Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen.

Chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chủ động trong tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; theo chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và khắc phục những hạn chế, yếu kém.

HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh đề nghị UBND tỉnh thực hiện và chỉ đạo thực hiện việc rà soát tiến độ đầu tư của các dự án đã được giao đất, đôn đốc các dự án chậm tiến độ. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó ưu tiên doanh nghiệp chế biến. Hướng dẫn và ưu tiên thực hiện các quy trình, thủ tục về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, nâng cao hàm lượng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp với phạm vi, quy mô tăng dần; phát huy hiệu quả đầu tư của dự án Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại thành phố Kon Tum.

Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chủ động, tích cực hơn trong thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. UBND huyện Kon Plông rà soát các tiêu chí hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, có giải pháp hoàn thành tiêu chí về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị.

HẢI LÂM

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP