Khuyến công Hà Tĩnh:

Kinh phí hỗ trợ cao gấp 2 lần so với giai đoạn trước

- Thứ Hai, 13/12/2021, 11:37 - Bản đầy đủ
Giai đoạn 2014-2020, hoạt động khuyến công Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ nét nhất là trong phát triển công nghiệp địa phương, góp phần đẩy nhanh quá trình về đích nông thôn mới, nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Giai đoạn mới, hoạt động khuyến công sẽ tiếp tục thể hiện vai trò bà đỡ khi đẩy mạnh nguồn vốn hỗ trợ cao gấp 2 lần so với giai đoạn trước.
Giai đoạn 2021-2025, kinh phí hỗ trợ cao gấp 2 lần so với giai đoạn trước
Nguồn: Internet

Đề án khuyến công tăng lên hàng năm

Giai đoạn 2014-2020, với kinh phí khuyến công triển khai thực hiện các đề án, chương trình trên địa bàn tỉnh đạt 25.686,5 triệu đồng (bao gồm kinh phí khuyến công quốc gia; kinh phí khuyến công địa phương) đã triển khai 142 đề án, trong đó có 18 đề án từ nguồn khuyến công quốc gia.

Nhìn chung, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh giai đoạn này đã dần dần phát huy hiệu quả, số lượng các đề án, dự án, kinh phí hoạt động khuyến công hàng năm tăng lên, mang lại lợi ích thiết thực cho việc khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động rất phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp nhận của đối tượng thụ hưởng và ngày càng nâng cao hiệu quả, góp phần hỗ trợ khó khăn cho đầu tư phát triển sản xuất của một số doanh nghiệp, cơ sở.

Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đánh giá rất cao hiệu quả hỗ trợ của chương trình khuyến công, đặc biệt là các đề án hỗ trợ máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, nâng cao chất lượng. Điều đó đã tạo động lực để các cơ sở phát triển sản xuất, mở rộng dây chuyền, mở rộng quy mô và phát triển thương hiệu.

Tiêu biểu, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Hải Hà, huyện Lộc Hà đã được kinh phí khuyến công hỗ trợ 800 triệu đồng cho đầu tư máy móc hiện đại trong sửa chữa tàu biển. Sau khi đưa hệ thống thiết bị mới đưa vào sản xuất đã giúp HTX sửa chữa tàu, thuyền với trọng tải 2.000 tấn. Đại diện đơn vị thụ hưởng cho biết, nhờ nguồn vốn khuyến công hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại đã giúp HTX nâng cao năng lực sửa chữa, ổn định sản xuất, có vốn quay vòng để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất.

Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp các cơ sở cải thiện sản xuất, hoạt động khuyến công đã triển khai bình chọn các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu nhằm phát hiện các sản phẩm chất lượng, mở rộng thị trường, tư vấn, hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm. Nhờ vậy, năm 2021, Hà Tĩnh đã có 41 sản CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và 5 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021. Đây đều là những sản phẩm đạt chất lượng, giá trị sử dụng cao, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.

Tiếp tục đồng bộ các giải pháp

Tiếp nối những kết quả tích cực từ giai đoạn trước, tỉnh tiếp tục triển khai chương trình khuyến công giai đoạn 2021- 2025, tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 62,765 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 27,11 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng, vốn huy động từ các thành phần kinh tế tham gia. Nguồn kinh phí hỗ trợ này cao gấp hơn 2 lần so với giai đoạn trước, sẽ là điều kiện thuận lợi để khuyến công phát huy hiệu quả.

Theo đó, khuyến công sẽ hỗ trợ triển khai 7 nội dung về đào tạo nghề; nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp CNNT; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu…Mục tiêu đến năm 2025, địa phương sẽ đào tạo mới, đào tạo nâng cao tay nghề cho 1.000 lao động, hỗ trợ thành lập mới khoảng 20 – 30 doanh nghiệp CNNT. Hỗ trợ xây dựng 10 mô hình trình diễn kỹ thuật, 30 cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất…Kỳ vọng lớn hơn là đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển CNNT của tỉnh, đảm bảo giá trị sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 11,9%/năm, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến sâu, đẩy cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông – lâm – thủy sản…

Để gia tăng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết thời gian tới sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, tăng cường vai trò công tác thông tin, tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công. Tiếp tục rà soát lại cơ chế, chính sách đã ban hành để bổ sung điều chỉnh hoàn thiện cho phù hợp yêu cầu mới. Chủ động, tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hàng năm, chương trình phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn hỗ trợ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp. Hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tìm hiểu, hợp đồng mua máy móc, thiết bị công nghệ phù hợp để nâng cao năng lực sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở…

UBND tỉnh cũng kiến nghị, hiện địa phương đang tập trung cao cho việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn. Do vậy, Bộ Công Thương cần quan tâm hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp cho tỉnh hơn trong thời gian tới. Thứ nữa các doanh nghiệp, HTX, làng nghề của tỉnh còn manh mún vì vậy cần sớm sửa đổi quy định để các cơ sở đều có điều kiện bình đẳng như nhau để có thể tiếp cận với chính sách khuyến công. Bộ Công Thương có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định máy móc thiết bị tiên tiến áp dụng vào sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp được xem xét hỗ trợ khuyến công, đặc biệt cho các mô hình cơ sở nhỏ và vừa tại các địa bàn khó khăn.

Hạnh Nhung

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP