Để thực hiện kế hoạch này, Trà Vinh đẩy mạnh công tác tư vấn học nghề đến người dân; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về cơ sở vật chất, kinh phí theo đúng chính sách ưu đãi; chuyển hướng đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động sang đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp. Tỉnh cũng tăng cường đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề theo hướng công nghệ hiện đại, phù hợp với dây chuyền công nghệ của các doanh nghiệp nhằm bảo đảm cho lao động sau khi học nghề đáp ứng được yêu cầu công việc được tuyển dụng. Cùng với đó, tỉnh tập trung nguồn lực, phối hợp giữa các ngành, doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề xây dựng và phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề các cấp trình độ đa dạng, linh hoạt, phù hợp thực tiễn. Đối với các doanh nghiệp có yêu cầu tự đào tạo nghề cho lao động địa phương sẽ được tỉnh hỗ trợ về mặt hồ sơ, thủ tục hoạt động dạy nghề và quản lý giáo vụ.
Trà Vinh hiện có hơn 616.000 người trong độ tuổi lao động, vùng nông thôn chiếm đến 481.000 người; trong đó tỷ lệ lao động được qua đào tạo nghề tính đến cuối năm 2013 chỉ đạt gần 33,18 %. Số người lao động đang thiếu việc làm lên đến 33.700 người và gần 19.000 người không có việc làm. Những năm qua tỉnh Trà Vinh tập trung đầu tư cho công tác dạy nghề. Toàn tỉnh hiện có 15 cơ sở dạy nghề công lập, 6 cơ sở giáo dục có dạy nghề và 5 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dạy nghề. Tuy nhiên, công tác dạy nghề chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Số lao động được hỗ trợ học nghề nhiều nhưng tỷ lệ tìm được việc làm và có việc làm ổn định chiếm chưa đến 50%.
<i>Theo TTXVN</i>