Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh cần phổ biến và quán triệt đến từng viên chức và người lao động trong bệnh viện để có nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số.
Cụ thể, cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số của bệnh viện nhằm hướng đến mục tiêu: Góp phần cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh; Tạo dựng môi trường làm việc thuận lợi cho nhân viên; Cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản lý bệnh viện; Sử dụng và đóng góp nguồn dữ liệu lớn của ngành y tế thành phố trong công tác quản lý, điều phối và dự báo.
Tiếp đó, cần phải xem chuyển đổi số là một trong những hoạt động trọng tâm trong kế hoạch hoạt động hằng năm của bệnh viện, do chính Giám đốc bệnh viện trực tiếp chỉ đạo thực hiện.
Kế hoạch chuyển đổi số của bệnh viện phải bao gồm các nội dung và giải pháp cụ thể về củng cố nguồn nhân lực chuyên trách công tác chuyển đổi số và xây dựng mạng lưới cộng tác viên công nghệ thông tin (CNTT) trong toàn bệnh viện, về đầu tư cho hệ thống hạ tầng CNTT, về xây dựng nền tảng số dùng chung, và đảm bảo an toàn hệ thống thông tin.
Bên cạnh đó cần ưu tiên phân bổ nguồn lực để củng cố và phát triển hạ tầng CNTT của bệnh viện. Tận dụng hạ tầng CNTT sẵn có để tránh lãng phí, đầu tư bổ sung thêm các thành phần cần thiết có chọn lọc đảm bảo vận hành hệ thống với thời gian sử dụng ít nhất là 5 năm. Phấn đấu đạt tối thiểu ở mức 6 về nhóm tiêu chí hạ tầng theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các bệnh viện.
Ngoài ra các đơn vị cần củng cố và nâng cấp trung tâm dữ liệu (Data Center - DC) của bệnh viện; Ưu tiên phân bổ nguồn lực để triển khai có hiệu quả các phần mềm ứng dụng; Xây dựng cổng thông tin bệnh viện có khả năng giao tiếp hai chiều với người bệnh; Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn nhằm hạn chế sai sót; Tích hợp chữ ký điện tử hoặc chữ ký số vào các phần mềm ứng dụng…
Theo đó, các cơ sở cần vận dụng khả năng dự báo và giám sát của hệ thống thông tin trong hoạt động quản lý bệnh viện giúp phát hiện sai sót và chủ động can thiệp sớm nhằm hạn chế thấp nhất tai biến và than phiền của người bệnh.
Đồng thời các đơn vị cần tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau khi thực hiện chuyển đổi số, nhất là các hoạt động hướng đến làm hài lòng người bệnh.
Năm 2021, TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, với các nội dung chính: đặc điểm và định hướng phát triển hệ thống y tế của thành phố, những ứng dụng CNTT của Ngành Y tế TP hướng đến xây dựng Y tế thông minh trong thời gian qua; bước đầu tiếp cận & ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của Ngành Y tế TPHCM và Đề án Y tế thông minh và những thách thức đối với Ngành Y tế TPHCM trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.