Doanh nghiệp mạnh - thành phố mới phát triển bền vững
Là “đầu tàu” của cả nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh rất năng động và hiệu quả. Cộng đồng doanh nghiệp thành phố thường xuyên tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển bền vững của thành phố.
Đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố cho biết, cộng đồng doanh nghiệp hiện không chỉ đóng góp về kinh tế tài chính mà đã có những hiến kế cho định hướng, chính sách phát triển của địa phương. Sự chuyển động mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, khối tư nhân đã tạo áp lực cho khu vực công đổi mới phải phát triển theo.
Bởi vậy, thành phố luôn tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp thường xuyên tham vấn chính sách, đóng góp ý kiến cho chính quyền và cũng đã trao đổi với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố đề nghị nghiên cứu các chương trình đối thoại với chính quyền hàng tháng hoặc hàng quý để hoạt động tiếp xúc diễn ra thường xuyên, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để thành phố kịp thời điều chỉnh.
Mặt khác, thành phố cũng kỳ vọng thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp tập trung thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Mỗi doanh nghiệp kiên quyết phát triển bền vững, để danh hiệu thương hiệu sản phẩm được nâng cao. Doanh nghiệp xây dựng văn hóa như một nền tảng cho sự phát triển bền vững, đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
“Lãnh đạo thành phố cam kết với cộng đồng doanh nghiệp trong đối thoại, lắng nghe và có sự điều chỉnh, nỗ lực cải cách hành chính, môi trường đầu tư để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp. UBND thành phố cam kết kiên trì đầu tư nguồn lực nhiều hơn, bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh lấy “minh bạch” làm tiêu chí”, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư
Nhằm thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2023: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”, thành phố đã có những giải pháp hoàn thiện các nhóm nhiệm vụ. Đáng chú ý nhất là vấn đề xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực; kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật.
Đồng thời, phòng ngừa, giải quyết kịp thời các tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại của nhà đầu tư; xử lý kịp thời những vướng mắc, bất cập, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Lãnh đạo thành phố trong cuộc họp mới đây cho biết, sẽ tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, CCHC để phục doanh nghiệp và người dân tốt hơn; tăng tỷ lệ và nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ công trực tuyến. Việc phát huy tối đa vai trò giám sát, phản biện xã hội của HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các cơ quan báo chí nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố cũng được chú trọng.
TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án huy động đầu tư xã hội và đầu tư nước ngoài chú trọng xây dựng chiến lược ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt nguồn tài nguyên và tạo ra sản phẩm có giá trị cao, thân thiện với môi trường. Đề án thu hút FDI trên địa bàn trong giai đoạn mới để đề xuất các giải pháp, nhất là vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực.