Dưới đây là những địa điểm về nguồn giàu ý nghĩa dịp nghỉ lễ 30.4 tại TP. Hồ Chí Minh:
1. Dinh Độc Lập (hay còn gọi là Dinh Thống Nhất) toạ lạc tại trung tâm Quận 1, là một trong những biểu tượng lịch sử nổi bật nhất TP. Hồ Chí Minh.
Vào trưa ngày 30.4.1975, xe tăng của lực lượng Giải phóng đã tiến vào khuôn viên dinh, chính thức kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài và mở ra thời kỳ độc lập, thống nhất đất nước.

Hiện, Dinh Độc Lập được bảo tồn như một di tích quốc gia đặc biệt; kiến trúc của dinh gần như được giữ nguyên trạng so với thời kỳ trước năm 1975: từ các phòng tiếp khách, hội nghị, phòng làm việc, tầng hầm chỉ huy, đến bãi đáp trực thăng…


Các hiện vật lịch sử như bản đồ tác chiến, máy móc liên lạc, nội thất của Tổng thống và các tướng lĩnh, xe tăng T-54, T-59, cùng trực thăng UH-1 vẫn được gìn giữ và trưng bày cẩn thận.
Ngoài tham quan không gian kiến trúc chính, Dinh cũng thường xuyên tổ chức các triển lãm chuyên đề về chiến tranh, cách mạng, và các sự kiện trọng đại của dân tộc như: “Dấu ấn ngày toàn thắng”, “Từ Hiệp định Paris đến Dinh Độc Lập”, “Thành phố Hồ Chí Minh - 50 năm nhìn lại (1975-2025)”…

2. Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bến Nhà Rồng (nằm bên sông Sài Gòn). Nơi đây chính là bến cảng mà từ đó, vào năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville.

Ngày nay, công trình kiến trúc mang phong cách Pháp - Việt kết hợp này được sử dụng làm bảo tàng lưu giữ hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là giai đoạn hoạt động quốc tế và công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.


Hơn 40 năm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bến Nhà Rồng đã thực sự trở thành một trung tâm giáo dục về lịch sử cách mạng, về tư tưởng đạo đức và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo tàng đã đón tiếp hàng triệu lượt khách tham quan từ khắp nơi trong nước và khách quốc tế, đặc biệt có hàng trăm đoàn nguyên thủ quốc gia và cao cấp các nước đến thăm viếng, tìm hiểu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh....


3. Địa đạo Củ Chi nằm ở vùng ngoại ô phía Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh, là một công trình quân sự ngầm độc đáo và nổi tiếng trên toàn thế giới.
Hệ thống địa đạo này không chỉ là kỳ tích quân sự mà còn là biểu tượng của ý chí kiên cường, lòng yêu nước và trí tuệ sáng tạo của nhân dân miền Nam - đặc biệt là quân dân huyện Củ Chi.

Địa đạo là nơi trung chuyển lương thực, vũ khí, nơi đặt chỉ huy sở của lực lượng cách mạng, in ấn tài liệu, cứu thương, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thậm chí có bệnh xá, bếp Hoàng Cầm, giếng nước, hội trường… tất cả đều nằm sâu trong lòng đất.

Địa đạo có tổng chiều dài khoảng 250km, trong đó hơn 120km đã được phục dựng, bảo tồn và mở cửa phục vụ tham quan. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Địa đạo Củ Chi là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.
Du khách khi đến đây có thể trực tiếp trải nghiệm cảm giác chui vào lòng đất, tận mắt thấy bếp Hoàng Cầm, kho vũ khí, phòng hội họp; xem phim tư liệu, tái hiện mô hình chiến tranh du kích; thử bắn súng tại trường bắn thể thao quốc phòng; thưởng thức khoai mì luộc chấm muối mè – món ăn quen thuộc thời kháng chiến… tất cả tái hiện một “thành phố ngầm” kiên cường ngay cạnh trung tâm đầu não của kẻ thù.

4. Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh toạ lạc tại Quận 3 - ngay trung tâm thành phố, nơi mỗi năm đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, tìm hiểu và chiêm nghiệm.

Đây là một trong những bảo tàng đặc biệt nhất tại Việt Nam, mang thông điệp sâu sắc về nỗi đau chiến tranh và khát vọng hòa bình của nhân loại thông qua hơn 20.000 hình ảnh, tư liệu và hiện vật gốc được lưu giữ. Trong đó có nhiều tác phẩm của các phóng viên quốc tế, các nhà báo chiến trường, ảnh chụp chiến sự, nạn nhân chiến tranh… có giá trị lớn về tư liệu và nghệ thuật.


Các khu trưng bày ở Bảo tàng không chỉ cung cấp tư liệu lịch sử mà còn gợi lên sự đồng cảm mạnh mẽ, là không gian lắng đọng để người xem cảm nhận sâu sắc nỗi đau chiến tranh, từ đó trân trọng hơn giá trị của hòa bình.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh nằm trong Top 10 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á do TripAdvisor bình chọn. Là địa chỉ văn hóa đặc sắc của TP. Hồ Chí Minh, thường xuyên được giới thiệu trên các kênh truyền hình quốc tế như BBC, CNN, National Geographic… Được nhiều du khách nước ngoài đánh giá là trải nghiệm xúc động và khó quên nhất khi đến Việt Nam.

5. Phố đi bộ Nguyễn Huệ là một không gian hiện đại đầy tính biểu tượng tại trung tâm thành phố lớn nhất Việt Nam. Là không gian công cộng được người dân yêu thích, đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật vào mỗi dịp lễ lớn.

Tượng đài Bác Hồ được đặt vị trí trang trọng nhất của Phố đi bộ Nguyễn Huệ là một lời nhắc nhở về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tinh thần cách mạng bất diệt mà thành phố mang tên Người luôn hướng về.
Tượng đài là nơi người dân và du khách dâng hoa, tưởng niệm vào các dịp lễ lớn: 2.9, 30.4, 19.5… Là điểm tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, sự kiện cộng đồng, góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tượng Bác tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng là địa chỉ đỏ cho các buổi sinh hoạt chính trị, kết nạp Đoàn, Đảng, tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ. Thông qua hình tượng Bác, lớp trẻ thêm hiểu về tư tưởng sống vì dân, gần dân, trọng dân - nền tảng tư tưởng cốt lõi của Người. Tượng đài góp phần nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tinh thần công dân, trách nhiệm với đất nước.
