Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Long, hiện nay tỉnh đang xây dựng phương án bố trí nơi ở và phương tiện đi lại cho khoảng 768 cán bộ, công chức, viên chức từ hai tỉnh bạn. Cụ thể, địa phương dự kiến sử dụng các cơ sở công như nhà ở xã hội, ký túc xá, trụ sở cũ và trường học không còn nhu cầu sử dụng để cải tạo thành nơi lưu trú. Dự kiến sẽ có 328 phòng được bố trí, đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho lực lượng cán bộ này.

Song song đó, địa phương cũng sẽ tổ chức phương tiện đưa đón hằng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc cho các cán bộ, công chức, viên chức. Đây là một trong những chính sách quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ yên tâm công tác, góp phần bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính trong giai đoạn chuyển tiếp sau sáp nhập.
Cũng theo dự thảo đề án, trong giai đoạn đầu sau sáp nhập, toàn bộ biên chế hiện có của 3 địa phương sẽ được giữ nguyên và chuyển nguyên trạng về các cơ quan, tổ chức tương ứng thuộc tỉnh mới. Việc sáp nhập được kỳ vọng sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới sẽ được đặt tại Thành phố Vĩnh Long.
Trong thời gian tới, HĐND tỉnh sau sáp nhập sẽ xem xét, ban hành các cơ chế chính sách đặc thù, trong đó có hỗ trợ thuê nhà và đi lại, bảo đảm đời sống cho đội ngũ cán bộ có nhu cầu lưu trú lâu dài tại địa phương.
Việc chủ động chuẩn bị về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất và chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức là minh chứng cho quyết tâm của tỉnh Vĩnh Long trong việc thực hiện hiệu quả chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh trong giai đoạn hiện nay.