Ngày 19.3, tại TP. Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì hội nghị với các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về ý tưởng đề xuất Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp trong Đề án 1 triệu héc ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp được Chính phủ phê duyệt thực hiện tại 12 tỉnh ở miền Tây.
Phó trưởng Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ NN&PTNT Nguyễn Thế Hinh thông tin, dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng ĐBSCL được đề xuất dựa trên Đề án 1 triệu héc ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đã được Chính phủ phê duyệt tại 12 tỉnh ĐBSCL, gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Thời gian thực hiện 5 năm, từ năm 2026-2031; giai đoạn chuẩn bị dự án trong hai năm 2024-2025. Tổng chi phí triển khai dự kiến khoảng 375 triệu USD (tương đương gần 9.000 tỷ đồng). Trong đó, 360 triệu USD từ khoản vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) của Ngân hàng Thế giới, 15 triệu USD vốn đối ứng từ đóng góp của Chính phủ và địa phương.
Theo ông Nguyễn Thế Hinh, mục tiêu của dự án hình thành 1 triệu héc ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị; áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Theo Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, dự án sẽ được thiết kế dựa trên 6 nguyên tắc; bao gồm thiết kế, cung cấp gói đầu tư toàn diện và thông minh cho nông dân nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng lợi nhuận cho trang trại.
Đồng thời, hỗ trợ hộ sản xuất nhỏ bằng cách phát triển, củng cố các tổ chức nông dân, hợp tác xã; huy động nguồn vốn tín chỉ carbon cho nhiều khu vực áp dụng các biện pháp thực hành carbon thấp.
Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và hỗ trợ phát triển thị trường lúa carbon thấp, qua đó tạo ra khung chính sách, kỹ thuật thuận lợi để hỗ trợ sản xuất lúa gạo có hàm lượng carbon thấp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, dự án có thể giúp chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất của ĐBSCL trong ngành lúa gạo nên được rất nhiều tổ chức quốc tế chú ý và nông dân đồng tình. Do đó, sau hội nghị, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp sớm có văn bản gửi đến 12 tỉnh, thành phố tham gia dự án để các địa phương củng cố hoặc thành lập mới Ban quản lý dự án của tỉnh để làm cơ sở chỉ đạo thực hiện, cung cấp thông tin để Bộ NN&PTNT sớm hoàn chỉnh dự án.