Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ
Theo Bộ Công thương, ngành công nghiệp phụ trợ được đánh giá là một nhánh quan trọng của công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, đóng vai trò như nguồn đầu vào cho chuỗi hoạt động sản xuất và thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, thời gian qua, Cục Công nghiệp đã phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia triển khai nhiều chương trình đào tạo, tư vấn đổi mới công nghệ sản xuất, giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất, đủ năng lực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Chương trình hợp tác giữa Cục Công nghiệp và Công ty ô tô Toyota Việt Nam thông qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ qua các năm về việc hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ cho thấy đây cũng là một trong các định hướng hoạt động của Toyota.
Cụ thể, Toyota Việt Nam đã triển khai dự án "Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ" từ năm 2020 với mục tiêu hỗ trợ xây dựng năng lực cho một số doanh nghiệp trong nước và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô.
Dự án bao gồm 4 hoạt động chính là sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam; tìm kiếm, hỗ trợ nhà cung cấp tiềm năng cấp 2 và cấp 3 và giới thiệu đến nhà cung cấp cấp một từ những dữ liệu của hoạt động sàng lọc; tổ chức các chuyến thăm thực tế tại nhà máy Toyota Việt Nam và nhà cung cấp nội địa của Toyota; hỗ trợ tham gia đào tạo theo một số chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam.
Trong năm 2022, Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp thực hiện thêm một hoạt động mới là chương trình "Hỗ trợ cải tiến hoạt động" cho một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ ô tô nhằm cải thiện quy trình sản xuất cho nhà cung ứng nội địa.
Toyota Việt Nam sẽ đồng hành và hỗ trợ có chiều sâu cho 4 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dập, đúc, nhựa và cao su bằng cách cử chuyên gia đến làm việc, tìm ra những vấn đề tồn tại và cùng doanh nghiệp đưa ra biện pháp, kế hoạch cải tiến khắc phục, từ đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp. 4 doanh nghiệp được Toyota Việt Nam hỗ trợ là Công ty cổ phần đầu tư thương mại công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH kỹ thuật Nhật Minh, Công ty TNHH MTV Cao su 75, Công ty cổ phần công nghiệp Kim Sen.
Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hỗ trợ phát triển các nhà cung cấp Việt
Đối với Toyota Việt Nam, đẩy mạnh nội địa hóa không chỉ đơn thuần là gia tăng số lượng nhà cung cấp Việt mà là nâng cao năng lực, chất lượng của nhà cung cấp, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh.
Toyota Việt Nam đã và đang tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng và kết nối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm phát triển nhà cung cấp, giới thiệu những hình mẫu nhà cung cấp mà Toyota đã hỗ trợ cho các nhà cung cấp linh kiện khác để họ học hỏi, từ đó từng bước xây dựng chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao khả năng của nhà cung ứng nội địa.
Ngày 16.11, Toyota Việt Nam tham gia Triển lãm quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam (VIMEXPO) lần thứ 3 tại Trung tâm triển lãm quốc tế I.C.E, Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội. Ông lớn ô tô Nhật Bản mang tới triển lãm này gian trưng bày các linh kiện được nội địa hóa, trong đó có mẫu xe Veloz Cross phiên bản lắp ráp trong nước.
Theo đại diện của Toyota Việt Nam, đây là nỗ lực của công ty trong việc phát triển sản xuất tại Việt Nam, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hỗ trợ phát triển các nhà cung cấp Việt cũng như cam kết đồng hành cùng sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
Trong tháng 12.2022, Toyota sẽ sản xuất và lắp ráp mẫu xe Veloz Cross và Avanza Premio tại nhà máy, qua đó nâng tổng số mẫu xe lắp ráp trong nước lên con số 5 và danh sách các nhà cung cấp của Toyota lên con số 58. Trong đó, số nhà cung cấp Việt Nam tăng từ 6 lên 12, tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt 740 sản phẩm các loại.