
Vậy mà nay, vừa đuổi tôi chạy bở hơi tai như thế, mồ hôi túa ra như thế, khi đến bên sông, gió thổi thốc vào nghe đã ớn lạnh rùng mình. Tôi lặn vào sát bờ sông, thấy ông vừa đi vừa thở dốc vừa lê người vào nằm ệp trên tấm phản ngựa. Tôi quay lại, đứng len lén sau liếp cửa nhìn vào. Ông vừa rên ư ử, vừa đánh rắm vang nhà vừa nhai đi nhai lại câu nói: ta già thật rồi, ta già thật rồi... Già có lẽ là nỗi sợ nhất của ông, không phải ông sợ già rồi chết mà là sợ già rồi không làm được cái việc đực cái nữa, không tìm được khí Xuân nữa, không biết được cái thời khắc Xuân về mà nghênh đón Ông, đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho cái nghề nuôi hươu sao ở quê tôi. Ông nhìn lên trên bàn thờ gia tiên rồi lại nhìn lên bàn thờ Thần Lộc, Bàn thờ gia tiên thì chả có lấy một tấm ảnh nào, còn bàn thờ Thần Lộc thì sắp dăng hàng mười mấy cái đầu có đầy đủ mắt mũi với sừng già của những ông hươu đầu đàn đã quy.
Khi ông trút đến tiếng thở dài thứ chín và đánh rắm suốt ba tràng thì tôi len lén đi vào nhà. Tôi ngồi chờ để nghe ông hát. Tôi biết, ông sẽ hát đây, Ông sẽ hát những điệu hát mà chỉ có mình ông và bà cả Lợi còn hát, hát tiếng hát của tổ tiên truyền lại, hát trong tuyệt vọng những câu hát như tiếng hú của con đực già gọi con cái trong miên man tuyệt vọng. Từ ngày ông không còn sức để sang nhà bà cả Lợi nữa, cứ nghe ông hát thể nào bà cả Lợi cũng chống gậy mò sang. Chuyện của ông nội tôi và bà cả Lợi cũng li kỳ lắm. Nghe đâu hai người đã rất yêu nhau từ trước khi ông tôi gặp và lấy bà nội tôi nhưng bà cả Lợi bị Tây hiếp rồi sau đó bị đưa đi đâu biệt xứ, tuổi xế chiều mới một thân một mình về làng. Khi đó bà nội tôi đã chết. Hai người già cả rồi, chả cưới hỏi gì nhưng ông nội tôi thi thoảng lại sang với bà cả Lợi, hai người lại bắt nhịp yêu đương cho cả xóm làng. Giờ ông nằm đó, nhớ nghề ông lại cất tiếng hát ai oán não lòng:
Cực lòng cha góa con côi
đêm nằm nghĩ lại khúc nhôi đoạn trường
ngồi nghĩ lại mà thương
thương cha dòng đáo để
Kẻ có du có rể
kẻ có cháu có con
đạo gia sự chưa tròn
tóc tơ còn bối rối...
Ngồi bên nhà nghe tiếng ông nội oai oán hát trong đêm, bà cả Lợi lẩm nhẩm: “Cha nó, lại mất nết rồi.” Chửi vậy nhưng bà lại cứ nghiêng cái tai lành sang phía giường ông nội mà hóng, rồi đến khi không kìm được lòng mình bà vào buồng, lục tìm trong cái hòm gỗ lôi chiếc áo cũ ra tỷ mỷ ngồi vá, vừa vá vừa cất tiếng hát như để đáp lại:
Con ơi con thức dậy,
dậy mẹ nói cùng con
nay tuổi mẹ đang son
Nghĩ thân con đang dại
nguồn ân, bể ái...
ngồi nghĩ dại nghĩ khôn
nghĩ ngán nỗi trăm đường
cái buồng gan thêm bấy
ruột tằm càng thêm bấy...
……………………
Ơ hơ hờ hầy......
Nghĩ ba năm thì khôn
Sợ một chiều thì dại...
sợ một chiều thì dại...
sợ một chiều thì dại...
ơ hơ hờ hầy...
Nghe bà cả Lợi hát đến đấy, lại còn cất tiếng thở dài: “Gái thở dài, trai nằm sấp”. Ông nội tủm tỉm cười, cái cười khi không còn đủ sức để hành sự nữa mà lại nhớ về cái thời chinh chiến xưa làm cho ông nội thấy thư thái cả người. Rồi vẫn nằm ngửa nghếch chân tréo ngảy vừa đung đưa chân vừa hát:
Ai trách chi con tạo
ai khéo khéo ngó dòm
ai cấm cấm ngày son
ai mòn mòn mỏi mỏi
Cơm ăn có nửa đọi
nác uống có lưng bầu
ai nghĩa nặng tình sâu
ai cơ cầu mà thêm khổ...
ai cơ cầu mà thêm khổ...
Để giờ đây khô héo
hũ mỡ chẳng cần treo
mèo ngáp dài nhòm ngó
ước một lần trăng tỏ
ước một thoáng gió xuân
ước con tạo xoay vần
Bao giờ cũng vậy, cứ hát đến đó là giọng ông nội lại nghẹn, cả cuộc đời ông đã có biết bao lần ước con tạo xoay vần, nhưng ước mong chỉ còn là mong ước, cả hai ông bà đều đã nằm kề bên miệng lỗ cả rồi. Và bao giờ cũng vậy cứ nghe ông nội hát đến đó là bà cả Lợi lại chống gậy dò dò sang. Khi sắp vào đến nhà, bà đánh tiếng.
- Gớm nhà cửa gì tối om om như cái hòm đậy nắp.
- Cũng sắp vào hòm rồi đây, bà sang làm gì? Nước non gì nữa đâu.
- Cha nó, lại mất nết rồi? Sắp vô hòm xuống lỗ cả rồi.
- Ừ chết cho nó khỏe, sống mà không còn làm được gì...
Vừa nói ông nội vừa đánh rắm vang nhà. Nghe ông đánh rắm, bà cả Lợi vừa vờ bịt mũi vừa nói:
- Khổ, không dám chào nhau bằng miệng à? Cha nó, lại mất nết rồi. Thế khi đó ông nghĩ gì?
- Thôi đừng nhắc chuyện xưa nữa. à mà này, sao khi ấy bà không kêu lên lấy một tiếng để tôi đến cứu? Hay là sướng quá cứ âm ỉ rên?
- Ô hay ông bảo đừng nhắc chuyện xưa nữa cơ mà... Cha nó, lại mất nết rồi. Tôi đã trả lời ông cả một đời rồi mà ông vẫn còn hỏi, kêu sao được mà kêu, đầu tôi đâm chẹt cứng dưới hố khoai mài, hai chân chổng lên trời... Cha nó. Ở trên nó cầm lấy hai chân tôi như đẩy càng xe bò... Cha nó... rồi cứ thế nó đẩy, tôi há miệng cạp đất à?
Nghe đến đó, ông nội không chịu nổi được nữa, đánh rắm liên hồi kỳ trận. Ông có cái tật đánh rắm từ những ngày rong ruổi đi tìm bà. Lần đó ông đang nấp trong bụi rậm, trên tay lăm lăm con dao phát mài xanh ánh thép chờ thằng Tây cướp người yêu của mình đi qua. Nhưng trớ trêu quá, đi qua gần chỗ ông nấp, thấy kín đáo, thằng Tây lệnh cho lính tráng dừng lại canh chừng rồi kéo bà vào bụi rậm ngay trước mặt ông. Ức mà không dám kêu và xung quanh đều có lính bồng súng canh chừng. Không kêu được, không chém được, ông nín nhịn đến nỗi sút cả rắm từng tràng. Từ đó trở về sau cứ mỗi lần tức mà không được nói là ông xổ ra từng tràng rắm như súng bắn liên thanh. Xả riết rồi thành quen, giờ thì vui buồn gì ông đều đánh rắm. Lần nào cũng vậy, ông xổ ra một tràng.
- .... Thôi... thôi... thôi... tôi xin bà đừng kể nữa, đừng kể nữa tôi vỡ đầu mà chết đây này... Nhưng sao đang chui chặt lá cho hươu bên này với tôi, bà lại đâm sang bên đó có mấy đứa lính nó đang luyện tập, để chúng nó chúc đầu bà xuống hố đào khoai mài rồi chổng đít lên cho nó đẩy...
- Tôi nói rồi, tôi lo đuổi theo con chim mới ra ràng. Cha nó, lại mất nết rồi. Ai ngờ mới lên đầu dốc thấy một thằng mắt mèo đang ôm súng ngồi đó. Nó hốt ngang người tôi, dằn tôi xuống lấy tay bịt miệng nhưng tôi vẫn kêu, vẫn đạp thế là nó dộng tôi xuống cái hố người ta vừa đào lấy khoai mài. Cha nó. Chắc thằng này đã từng xem người ta thiến lợn, khi bỏ được lợn vào rọ rồi thì phía sau muốn làm gì thì làm...
- Thôi không nói nữa... nhưng... sao bà lại đi luôn với hắn.
- Về với ông chắc... ông chẳng thả tôi trôi sông. Cái mặt ông, tôi đi chưa đầy năm đã lấy vợ.
- Thôi biết rồi, không trách nhau nữa, giờ tôi tính thế này.
- Ông tính là tính làm sao nói tôi nghe, mà tính gì nữa, trẻ thì không tính.
- Tại trẻ không tính bây giờ mới phải tính. Tôi tính... tính xin bà về ở với tôi.
Nghe ông nội nói, bà cả Lợi không đổi thế ngồi, nói xẵng.
- Cha nó, lại mất nết rồi. Ông khi nào cũng đùa được cả, thế bây giờ không sợ nữa à? Mất nết thế không biết.
- Vẫn còn sợ, nhưng thương bà quá nên hết sợ... Tôi thương bà là nếu tôi... tôi đi trước là bà khổ...
- Tôi khổ quen rồi, ông lo cho cái thân ông đi... xẳng quá đi mất, thôi tôi về đây, đừng có hát nữa mà... mà người ta không ngủ được. Cha nó.
- Tôi là tôi nói thật đó, nếu ngày đó bà không mất đi đứa con thì bây giờ...
ông lại đánh rắm tỏ cái lòng thương cảm.
- Thôi ông đừng nói chi nữa cả, tôi cũng xót, dù hắn có là con chó, mà con chó đã gieo cái giống vào tôi thì khi đẻ ra vẫn là con tôi, mà hắn còn ác hơn cả chó, hắn xô tôi xuống vực... Cha nó, lại mất nết rồi.
- Tôi có biết chuyện đó nhưng tôi hèn, tôi sợ, bà có trách tôi không? Có điều...
- Biết rồi, ông phải ở lại để còn sản xuất lương thực, còn nuôi hươu sao, còn làm bao việc cho nghĩa quân...
- Không dưới mười lần tôi đi theo hắn và bà, không dưới năm lần tôi đã vung dao lên, nhưng con người ấy như thánh thần xuất hiện kịp thời ngăn tôi lại. Và lần nào người ấy cũng nói: “Có nhiều cách để trả thù, một nhát dao chỉ chém được có một thằng...”.
- Thì tôi có trách gì ông đâu.
- Nhưng tôi vẫn phải nói. Nếu ngày đó tôi đưa kịp nhung hươu vào Đại Hàm thì cụ Phan không đến nỗi phải chết thảm giữa rừng.
- Cái mệnh, con người ta đều có cái mệnh cả, mệnh tôi là phải đi làm đồ chơi cho bọn đàn ông.
- Tôi xin bà, qua cả rồi, Tây cũng đi rồi mà cụ Phan cũng không còn xác...
- Thôi thì thôi. Cái thời nó vậy mà, giờ nhìn con cháu thấy thèm. Cha nó.
- Vẫn còn thèm được cơ à?
- Ông chỉ được cái, thịt bò dai, răng sứt không nhai được nhưng bộ không có quyền thèm à? Thôi tôi về đây. Cha nó, lại mất nết rồi.
Nói xong rồi bà cả Lợi chống gối đứng dậy ngoáy gậy ra về. Ông nội nhìn theo cái lưng còng của bà mãi cho đến khi khuất ngoài vầng hắt sáng của cái chao đèn.
Ông hát:
ước con tạo xoay vần...
mưa rào ngập ruộng cạn
cho lửa đượm lò than
cho nắng núi mưa ngàn
chẳng có can chi nữa
chẳng có hành hạ nữa.
Thế mà nay đã đổi
Hoa đã héo trong bình cửa khác
Hoa đã héo trong bình nơi cửa khác…
Bà vừa đi khuất một lúc, khi biết chỉ còn có trời với đất với một mình mình đang nằm đây, ông lại hát tiếp:
Say say tình say nghĩa
Chuốc chuốc lấy nợ nần
Khổ ái ái ân ân
Khổ cái thân cái xác
Ai nửa nạc nửa mỡ
Ai tưởng béo tưởng bùi
để giờ lại mình tui
để ngậm ngùi thêm khổ.
Người đã đi hết phố
Người đã sống hết phường
Người đã đĩ thập phương
Người tỏ tường mấy ngón
Hỏi tỏ tường mấy ngón?
Bà lê những bước chân lầm lũi đi về nhà mình, tai vẫn còn nghe ông hát nhưng bà không còn sức để mà hát đáp lại nữa.