Ngày 23.5, Tổ chức Orbis Quốc tế và Sở Y tế TP. Cần Thơ đã tổ chức tham quan và giới thiệu chương trình công tác của Bệnh viện Bay Orbis tại Cần Thơ.
Tổ chức Orbis là một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ, chuyên hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc và phẫu thuật các bệnh về mắt. Tổ chức Orbis bắt đầu hợp tác với Việt Nam và cung cấp cho các bệnh viện của Việt Nam các thiết bị chăm sóc mắt vào năm 1996. Năm 2000, Tổ chức Orbis bắt đầu thực hiện các dự án chăm sóc mắt với các đối tác của Việt Nam nhằm phòng tránh bệnh mù lòa một cách bền vững.
Có mặt tại TP. Cần Thơ từ ngày 8.5.2023, Tổ chức Orbis Quốc tế đã khởi động chương trình đào tạo thực hành lâm sàng nhãn khoa ngay trên máy bay. Trong ba tuần tại Cần Thơ, đội ngũ chuyên gia và của Orbis sẽ trực tiếp cầm tay chỉ việc cho 52 cán bộ y tế chuyên ngành nhãn khoa, bao gồm bác sĩ nhãn khoa, điều dưỡng, kỹ sư y sinh và bác sĩ gây mê tại Cần Thơ nhằm nâng cao năng lực khám và điều trị các bệnh gây mù và suy giảm thị lực phổ biến nhất trong cộng đồng.
Đây là lần thứ 12 Bệnh viện Bay Orbis thực hiện chương trình đào tạo tại Việt Nam, trong đó có một chương trình đào tạo trực tuyến trên nền tảng của Orbis. Trong khuôn khổ chương trình Bệnh viện Bay lần này, học viên tham gia đào tạo sẽ được phát triển kỹ năng thông qua sự kết hợp giữa đào tạo trên mô hình mô phỏng và đào tạo thực hành cầm tay chỉ việc, cũng như các khóa học trực tuyến được thiết kế riêng trước khi Bệnh viện Bay đến Việt Nam. Các hoạt động đào tạo sẽ diễn ra tại Bệnh viện Bay Orbis, hiện đang đậu tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, và tại hai bệnh viện đối tác là Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt Cần Thơ và Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Ngoài công tác đào tạo, lần này, Orbis Việt Nam đã tầm soát, khám sàng lọc cho 160 bệnh nhân; phẫu thuật cho 51 bé bị đục thể thủy tinh, phẫu thuật tạo hình cho các bé bị lác/lé, làm laser 10 bệnh nhân người lớn bị bệnh võng mạc, tiêm Lucentis cho 4 bệnh nhân trong TP. Cần Thơ và khu vực Tây Nam bộ.
Trong tuần đầu tiên, các học viên sẽ được đào tạo trên mô hình mô phỏng để làm quen với môi trường đào tạo trước khi chuyển sang thực hành lâm sàng, điều này cũng bảo đảm bệnh nhân sẽ được thăm khám và chăm sóc tốt hơn. Hai tuần cuối của chương trình, các học viên sẽ được hướng dẫn thực hành bởi các chuyên gia nhãn khoa hàng đầu thế giới.
Chương trình đào tạo thực hành lâm sàng lần này sẽ tập trung vào khám và điều trị các bệnh gây mù và suy giảm thị lực phổ biến nhất cho trẻ em và người lớn tại Việt Nam, bao gồm đục thủy tinh thể, phẫu thuật tạo hình và lác/ lé ở trẻ em, và glôcôm, phẫu thuật tạo hình và võng mạc nội khoa ở người lớn. Đây cũng là một trong các chương trình hoạt động Orbis đã và đang thực hiện tại Việt Nam với mục tiêu đáp ứng các nhu cầu đào tạo cán bộ y tế địa phương, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu để ra trong Chiến lược Phòng chống Mù lòa Quốc gia được Thủ tướng phê duyệt năm 2016.