Cơn lốc của ý niệm
Khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, công nghiệp phát triển mạnh, khoa học kỹ thuật ít nhiều chạm đến đỉnh cao nhưng lại đẩy con người vào trạng thái hỗn mang với mong muốn giải thoát khỏi đường biên khô cứng của đời sống. Nhưng chất liệu hội họa truyền thống không đủ để biểu đạt, ngay cả nghệ thuật hiện đại cũng trở nên cũ kỹ. Lúc đó, nghệ thuật đương đại ra đời như cơn lốc xóa nhòa mọi tiêu chí thẩm mỹ. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, loại hình này còn gây không ít tranh cãi. Theo nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), tới giờ, nếu hỏi bất cứ nhà nghiên cứu, triết gia hay nghệ sĩ nào về nghệ thuật đương đại, họ sẽ thận trọng tìm cách trả lời và rất có thể không có câu trả lời xác đáng. “Bởi nó không thể là một chủ nghĩa, một trào lưu, không hẳn là một lát cắt của lịch sử và đương nhiên cũng không hoàn toàn là những gì đang được sáng tạo trong ngày hôm nay. Người ta chỉ mới xác định được qua những nỗ lực cách tân, làm khác, hoặc tổng hợp những gì trước đó trong hình thức mới”.
Chính những ý niệm đó đã làm nên tính độc đáo của nghệ thuật đương đại, nhưng cũng có cái khiến công chúng lạ lẫm đến khó chấp nhận, thậm chí coi là tầm thường, hổ lốn hay vô giá trị… Lý giải điều này, nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương phân tích: “Tinh thần hiện đại đối chọi trực diện với chuẩn mực truyền thống nhưng hẳn là còn nương vào các quy tắc cổ điển, nói cách khác là có kế thừa. Còn nghệ thuật đương đại lại không ngần ngại đoạn tuyệt, cắt đứt hoàn toàn với cái cũ, làm khác đi những gì người ta vốn quen thuộc, thường nghĩ”.
Chất liệu truyền thống bị thay thế bằng một đồ vật bất kỳ, thậm chí là cơ thể con người, kiểu mô tả hình thức thuần túy được thay đổi, chỉ cần đi vào một ý niệm nào đó thì dường như bất kỳ thứ gì cũng được gọi là tác phẩm, ngay bản thân ý niệm cũng đã được coi là nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật đương đại có dễ dãi như vậy? Trả lời câu hỏi này, nghệ sĩ Phạm Diệu Hương cho rằng: “Đến với đương đại, nghệ sĩ tự định nghĩa theo cách của mình rằng thế nào là đẹp, là xấu, là nghệ thuật… Nhưng không có nghĩa nó cho phép người ta cẩu thả, dễ dãi. Nếu chỉ đơn thuần độc đáo thì chỉ là những thứ vứt đi, nhưng xuất phát từ nhu cầu nội tại cần bộc lộ, nó cho ta một hình thức để cảm, khai phá điều mới mẻ và dẫn dắt ta đến một tư duy khác”.
![]() | |
Họa sĩ Đức Phạm và tác phẩm bodypainting tại Tết Art 2016 | Nguồn: ITN |
Nhiều vấn đề bỏ ngỏ
“Nghệ thuật đương đại cần hơn cả là môi trường đối thoại giữa nghệ sĩ và công chúng. Một bên lý luận cho tác phẩm còn bên kia phản biện, qua đó bộc lộ những giá trị mà nó đem tới. Nghệ sĩ chỉ được vinh danh khi khán giả của họ thực sự đánh giá cao về nghệ thuật. Nếu không làm được như vậy, thì chỉ tạo nên một nền nghệ thuật méo mó, không phát triển lành mạnh”. Nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương |
Tại tọa đàm Nghệ thuật đương đại - Những vấn đề còn bỏ ngỏ mới đây, các diễn giả cho rằng, tuy “sinh sau đẻ muộn”, nghệ thuật đương đại cũng có những cao trào, nhiều điểm xuất sắc nhưng nó cũng phải đối mặt với những khủng hoảng, bối rối trên cả phương diện lý thuyết lẫn thực hành. So với thế giới, nghệ thuật đương đại Việt Nam ra đời khoảng 25 năm trước và chỉ “lộ diện” chính thức từ Festival Mỹ thuật trẻ 2007 với một vài tác phẩm sắp đặt, sau đó là Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010, và năm 2015 với các tác phẩm video, trình diễn… Hiện nay, tất cả cơ sở đào tạo mỹ thuật ở Việt Nam đều chưa có nội dung giảng dạy về nghệ thuật đương đại. Hoạt động này, nếu có, chủ yếu dưới hình thức workshop, giao lưu được tổ chức bởi các nghệ sĩ nước ngoài, hay số ít nghệ sĩ trong nước. Trong bối cảnh đó, các công trình được cho là có khả năng “cứu nguy” về phương diện lý thuyết, thì chỉ mang tính điểm xuyết. Chẳng hạn, gần đây nhất có Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990 - 2010 (Phạm Trung và Bùi Như Hương), trước đó là Nghệ thuật và tài năng (Đào Mai Trang) thể hiện nỗ lực của giới nghiên cứu Việt Nam. Còn sách dịch với vai trò là công cụ tham chiếu nghệ thuật đương đại thế giới cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Có thể nói, hỗ trợ tìm hiểu thực hành nghệ thuật đương đại ở Việt Nam hầu như không có. Nghệ sĩ phải tự mày mò, đưa ra câu hỏi và tìm cách trả lời. Thực hiện dự án Thay hình đổi mặt, tôi phải nghiên cứu rất nhiều, chủ yếu là phải đi tìm tài liệu ở nước ngoài”. Chia sẻ của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cũng nói lên vấn đề chung mà các nghệ sĩ Việt Nam đang gặp. Theo nghệ sĩ Phạm Diệu Hương: “Một yếu tố rất cơ bản của nghệ thuật đương đại là hàm chứa ý niệm, tri thức. Tác phẩm dù bắt mắt đến đâu mà không lý giải được nội hàm gửi gắm trong đó thì cũng không phải là đương đại nữa. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, chính vì không hiểu nên không ít tác giả chỉ cho thấy bề ngoài hời hợt”.