![]() Lời thú tội ngự trị số 1 ở rạp Nhật Bản 4 tuần liền |
Theo Cracker Pictures, một trong những nhà phân phối của bộ phim ở Hàn Quốc, khuynh hướng làm phim chuyển thể từ sách đã phổ biến ở Nhật Bản trong vài năm qua. “Có thời gian Nhật Bản toàn sản xuất các bộ phim sự kiện, phim truyện dựa theo phim truyền hình”, tổng giám đốc của Cracker Pictures cho biết. “Có ba công ty sản xuất phim chính ở Nhật Bản, trong đó có Toho Co., Ltd sản xuất phim Rừng Na Uy nổi tiếng, đã bắt đầu làm những bộ phim dựa trên các cuốn sách ăn khách khoảng ba năm trước. Và bản thân họ cũng ngạc nhiên khi những bộ phim này rất được ưa chuộng ở các rạp chiếu. Và giờ đây, những bộ phim này đang đến với Hàn Quốc”.
Vị CEO giấu tên này cho biết những bộ phim Nhật Bản dựa trên cốt truyện văn học dường như ăn nên làm ra hơn ở Hàn Quốc. “Trong khi phần lớn các cuốn truyện Nhật Bản có thể mua trong hiệu sách ở Hàn Quốc, phim truyền hình Nhật Bản vẫn chưa được chiếu trên sóng truyền hình Hàn Quốc. Bởi người Hàn Quốc quen thuộc với văn học Nhật Bản, họ có thể cảm thấy thoải mái hơn với nội dung của những bộ phim vốn dựa vào các tiểu thuyết nổi tiếng. Những bộ phim này lại dễ tiếp cận, cho dù có những khác biệt văn hóa giữa hai quốc gia”.
![]() Rừng Na Uy thu hút nhất với công chúng Hàn Quốc |
Trong bốn bộ phim đó, Rừng Na Uy, dựa trên trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, được cho là thu hút sự quan tâm mạnh nhất của công chúng Hàn Quốc. Bản thân cuốn Rừng Na Uy, tiêu thụ hơn 9,2 triệu bản ở đất nước mặt trời mọc từ khi được phát hành vào năm 1987, đã được độc giả Hàn Quốc ưa chuộng. Từ khi bản tiếng Hàn được xuất bản vào năm 1989, cuốn sách luôn xếp vào loại ăn khách ở Hàn Quốc trong hơn hai mươi năm qua. Năm 2009, Rừng Na Uy được bình chọn là tiểu thuyết ưa thích nhất của người dân xứ sở kim chi theo một cuộc khảo sát do Hiệp hội các nhà xuất bản Hàn Quốc tiến hành.
Lấy bối cảnh ở Tokyo vào cuối thập niên 1960, Rừng Na Uy kể câu chuyện của Toru Watanabe, một sinh viên đại học “phải lòng” hai người phụ nữ rất khác biệt nhau – Naoko hay lo lắng và Midori đầy tự tin. Với cặp diễn Kenichi Matsuyama và Rinko Kikuchi, bộ phim được “nhào nặn” dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. Nữ diễn viên Kiko Mizuhara, người đóng vai Midori, mới đây đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông khi có tiết lộ rằng mẹ cô là người Hàn Quốc. Còn đạo diễn Trần Anh Hùng, sau khi đọc tiểu thuyết bản tiếng Pháp đã phải dành bốn năm để thuyết phục tác giả Haruki Murakami cho phép anh làm phim.
“Nói chung thì từ năm 2005, phim Nhật Bản không thu hút lắm ở Hàn Quốc”, CEO của hãng Cracker Pictures cho biết. “Tôi cho rằng khuynh hướng làm phim dựa trên văn học sẽ tiếp tục trong một thời gian nữa ở Nhật Bản và nó sẽ mang đến những thay đổi đáng kể ở Hàn Quốc”.
Thiên đường đã mất, bộ phim sản xuất năm 1997 đã thu hút hơn ba triệu người xem ở Nhật Bản, cũng đang được công chiếu lại ở Hàn Quốc sau lần đầu tiên phát hành mười bốn năm trước. Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Junichi Watanabe, bộ phim tập trung vào tình yêu vụng trộm giữa một nhà xuất bản trung niên và bà chủ trẻ hơn nhiều tuổi. Đều đã có gia đình và chán nản với những bon chen của cuộc sống thường ngày cùng với tình yêu vô vị, cặp tình nhân cuối cùng tự vẫn để tìm tình yêu bất diệt.
Thuộc thể loại phim kinh dị, Lời thú tội dựa trên tiểu thuyết đoạt nhiều giải thưởng của Ganae Minato. Bộ phim là câu chuyện gây sốc của một giáo viên phổ thông có con gái bốn tuổi bị chính hai học sinh mười ba tuổi của mình mưu sát. Năm ngoái, Lời thú tội đã ngự trị ngôi số một ở rạp chiếu phim Nhật Bản trong bốn tuần liên tiếp.
![]() Chuyện tình yêu của nữ sinh - Nhật ký bỏ quên |
Ngược lại với những tình tiết sởn da gà của Lời thú tội, Nhật ký bỏ quên được sản xuất dựa trên tiểu thuyết nhiều tập được đăng tải trên mạng của nhà văn uy tín Shizukui Shusuke. Loạt truyện nhẹ nhàng này thu hút hơn một triệu độc giả trên trang trực tuyến. Bộ phim có kết thúc khác một chút so với bản trực tuyến, trong khi vẫn giữ cốt truyện là câu chuyện tình yêu lãng đãng của cô sinh viên đại học.
Yoo Eun-ah, làm việc cho bộ phận tiếp thị của Mirovision Inc., nhà phân phối phim Lời thú tội ở Hàn Quốc, cho biết việc quảng bá bộ phim mà tên của nó đã được biết đến rộng rãi thì luôn dễ dàng hơn. “Tôi nghĩ thị trường (phim) Nhật Bản là nơi mà chiến lược OSMU (Một nguồn gốc, nhiều mục đích sử dụng) được vận dụng nhiều nhất. Việc chuyển thể những tiểu thuyết ăn khách thành phim cũng là tự nhiên thôi”.
Theo nhà phê bình điện ảnh Kim Jong-cheol, các nhà phát hành và công ty sản xuất phim hợp tác rất tốt ở Nhật Bản. Nhật có một thị trường lớn cho các tác phẩm văn học trong các thể loại đặc thù như kinh dị, trinh thám. “Nhiều cuốn sách thuộc các thể loại này đã được chuyển thể thành phim vào cuối thập niên 1990. Tôi không cho rằng những bộ phim này thành công ở Hàn Quốc vì chính xác là chúng không hợp với khẩu vị của người Hàn Quốc và nói chung thì phim Nhật Bản chưa từng được ưa chuộng ở Hàn Quốc trong hai năm qua. Tuy nhiên, các bộ phim như Lời thú tội thì rất hứa hẹn”.