Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh vẫn tiếp tục gia tăng và khả năng không đạt được mục tiêu năm 2015 và năm 2020 như đã đề ra… Bên cạnh đó, công tác dân số đang phải đối mặt với nhiều thách thức như mức sinh không đồng đều, chất lượng dân số thấp, chưa phát huy hiệu quả của cơ cấu “dân số vàng”, cơ cấu dân số bất hợp lý về giới tính… Một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên tỷ suất sinh vẫn cao. Trong khi đó, tại một số tỉnh phía Nam, đặc biệt vùng Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… tổng tỷ suất sinh quá thấp, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, bình quân mỗi phụ nữ chỉ sinh từ 1,3 - 1,4 con.
Trước tình hình đó, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại trong trường hợp giai đoạn 2016 - 2020 không còn Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và đã đề xuất các giải pháp tích cực để vận động đầu tư nguồn lực nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức, gắn dân số với phát triển bền vững, góp phần hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với định hướng ổn định mức sinh thấp hợp lý và nâng cao chất lượng dân số là trọng tâm của công tác dân số trong thời gian tới, đặc biệt giai đoạn 2016 - 2020, việc tiếp tục kiểm soát quy mô dân số đối với các vùng còn có mức sinh cao và các vùng đang có xu hướng giảm sinh mạnh; đồng thời tiếp tục triển khai và xây dựng các đề án, dự án: tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người; can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; bảo đảm hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ; tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sính, sàng lọc sơ sinh; kiểm soát dân số các vùng biển đảo và ven biển; kiểm soát dân số các vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng xa vùng sâu; nâng cao năng lực truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình…