Sau hai thập niên nỗ lực nâng cao năng suất, bộ khung quy trình hoạch định và thực thi chính sách đã được định hình. Các cơ quan liên quan cũng tích lũy được kinh nghiệm đáng kể trong cải thiện năng suất cùng lượng lớn nhân lực được đào tạo, chuyển giao công nghệ. Đây là nền tảng vững chắc để Việt Nam triển khai chính sách năng suất mới trong tương lai.
Theo các chuyên gia, Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình 1322) cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra về số lượng, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là tại địa phương.
Thứ nhất, tiến độ xây dựng, phê duyệt dự án ở các ngành và địa phương còn chậm. Thứ hai, cách tiếp cận của một số bộ ngành, địa phương khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc hợp tác giữa các bộ ngành này. Thứ ba, sự tham gia của bản thân doanh nghiệp, chủ thể của hoạt động nâng cao năng suất chất lượng còn chưa chủ động, tích cực.
Thứ tư, mạng lưới tư vấn viên và nhà quản lý - những người hỗ trợ Chương trình còn mỏng. Thứ năm, kinh phí đầu tư cho chương trình khá hạn hẹp. Thứ sáu, các hướng dẫn và khung quy định ban hành bởi Ban điều hành chưa nhất quán và hiệu quả.
Bên cạnh doanh nghiệp thích ứng nhanh và tích cực tham gia Chương trình 1322 để cải tiến năng suất chất lượng vẫn còn doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm. Các địa phương tập trung chủ yếu vào hỗ trợ doanh nghiệp, chưa chú trọng tới công tác xây dựng nền tảng hoặc tạo phong trào năng suất. Các hoạt động triển khai trong phạm vi hoạt động của Sở Khoa học và Công nghệ mà thiếu sự tham gia của các sở ngành.
Đến thời điểm hiện nay, hầu hết địa phương đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021- 2030 và 50% số địa phương đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục thúc đẩy phong trào năng suất tại địa phương.
Từ những phân tích nêu trên, các chuyên gia năng suất cho rằng, để quản lý hiệu quả, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương cần thống nhất quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; có sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ngành, các cấp Trung ương và địa phương trong bối cảnh mới nhằm thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo là Bộ Khoa học và Công nghệ với các bộ, ngành, địa phương để tạo sự thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt trong quản lý. Đồng thời, hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia phù hợp điều kiện Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tháo gỡ các nút thắt, rào cản về luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, thủ tục hành chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, vượt trội để thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ.
Một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu được đặt ra trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2030 là sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ, các luật liên quan. Vì vậy, việc nhìn lại quá trình thực thi các chính sách khoa học công nghệ, đồng thời phân tích chúng trong bối cảnh và yêu cầu mới để có những điều chỉnh kịp thời, nhanh chóng, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa.