Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Thực hiện việc nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ban, ngành thành phố thực hiện rà soát, tiếp thu, giải trình, đề xuất việc chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và hoàn thiện các hồ sơ theo quy định trên cơ sở các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Trên cơ sở kết quả các cuộc họp, báo cáo đề xuất của các sở, ban, ngành thành phố, UBND TP. Hà Nội đã giao Thường trực Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô tổ chức họp với các bộ phận chuyên môn của Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, các chuyên gia xây dựng Luật Thủ đô tổ chức tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
UBND thành phố đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo luật sau điều chỉnh sẽ báo cáo xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và gửi Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp.
Trong thời gian từ đầu năm 2024 đến nay, Ủy ban Pháp luật đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và UBND thành phố nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật theo đề xuất của thành phố. Lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với Thường trực Thành ủy để chỉ đạo, định hướng tiếp thu Luật Thủ đô. Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp và Ban Thường vụ Thành ủy về dự thảoLuật Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cũng cho biết, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 vừa được tổ chức, đã lấy ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội vào dự thảo luật. Trên cơ sở đó, dự thảo luật đang tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan để hoàn thiện, xin ý kiến Chính phủ và gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước Kỳ họp thứ Bảy tới.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, qua những lần xin ý kiến, cơ bản việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật được các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội đánh giá cao và tán thành nhiều nội dung của dự thảo, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy.
Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội đã thông tin về “thu phí đặt cọc giữ chỗ vào lớp 10” theo phản ánh của người dân, và cơ quan báo chí. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết với 591 cơ sở giáo dục tư thục, hàng năm ngoài hướng dẫn công tác chuyên môn, sở đã tham mưu cho thành phố ban hành văn bản chỉ đạo tuyển sinh các lớp đầu cấp. Qua theo dõi, các cơ sở giáo dục đã thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, hướng dẫn của bộ, sở.
Với các hiện tượng thu phí giữ chỗ các cơ quan báo chí phản ánh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố về thi, tuyển sinh. Quán triệt yêu cầu tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra trong tuyển sinh đầu cấp.
Cũng trong chiều 28.3, UBND TP. Hà Nội có văn bản về phương án thi vào lớp 10 năm học 2024-2025. Theo đó, học sinh thi 3 môn: toán, văn, ngoại ngữ. UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã trình trước đó về thực hiện phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm 2024 - 2025 gồm 3 môn: toán, ngữ văn và ngoại ngữ (thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn).